Là một huyện miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi ở Nam Giang là hết sức quan trọng. “Trước đây, việc đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi ở địa phương còn chậm nên năng suất, chất lượng chưa cao, không tạo ra được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa và hướng thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, tiềm năng đất đai còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác có hiệu quả… Chính vì vậy, Huyện ủy, UBND Nam Giang quyết định tạo sự đột phá, tính bền vững trong việc phát triển nông nghiệp bằng cách hỗ trợ 12 xã, thị trấn hàng năm 200 triệu đồng để thực hiện mục đích này…” - ông Lê Văn Hường, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết. Số tiền này sẽ được đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, giúp người dân từng bước phát triển nông nghiệp bền vững, có hiệu quả. Đặc biệt là đẩy mạnh khai hoang nà thổ ở những nơi có điều kiện thuận lợi, vận động bà con dồn điền đổi thửa, phục hóa ruộng đồng để giảm bớt diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún. Kế hoạch là đến năm 2015 sẽ giảm dần diện tích lúa rẫy sang trồng cây họ đậu như bắp, sắn nguyên liệu…
Được sự hỗ trợ từ Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Nam Giang, các xã, thị trấn đã có một diện mạo mới. Ảnh: A Lăng Ngước.
Đối với việc phát triển gia súc, gia cầm tại địa phương, Nam Giang chú trọng các loại giống, con vật nuôi như bò, heo, dê... “Huyện ủy và UBND đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mô hình làm điểm sind hóa đàn bò, bảo tồn heo cỏ địa phương, phát triển heo rừng lai, nuôi dê bách thảo… Đặc biệt, khuyến khích thực hiện chuyển đổi hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh theo mô hình trang trại” - ông Hường cho biết thêm.
Với những chính sách thiết thực đó, kể từ năm 2012 đến nay, tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương không ngừng được gia tăng, góp phần ổn định đời sống của người dân. Tỷ trọng, giá trị sản lượng ngành trồng trọt chiếm 65,6%; chăn nuôi chiếm 23,8% trong nông nghiệp; có gần 350 héc ta ruộng lúa nước được đưa vào canh tác 2 vụ/ năm, tăng năng suất bình quân đạt 37 tạ/ha… “Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, địa phương còn tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh và địa phương để lồng ghép với các chương trình dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương như: đường giao thông liên thôn, liên xã; các công trình thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa bê tông kênh mương nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng… Từ đó, đã tạo ra được bộ mặt mới cho Nam Giang” - ông Chờ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang nói.
Ông Pơloong Hon, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing cho biết, với số tiền được hỗ trợ này, xã đã đầu tư mua 19 con bò, 5 con heo giống và 130 nghìn cây keo giống để trồng trên 140ha. “Có số tiền hỗ trợ này, bà con được tạo thêm sinh kế, chăn nuôi, trồng trọt được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc phát triển về lâu dài. Đối với bà con mà nói, việc bỏ một số tiền lớn để mua bò hay heo là rất khó khăn, giờ được hỗ trợ rồi, cố gắng chăm sóc cho tốt thì sẽ phát triển được thôi. Giờ bà con không phá rừng làm rẫy nữa mà đi trồng rừng. Trồng cây keo cho hiệu quả kinh tế cao lắm…”- ông Pơloong Hon chia sẻ.
Với việc đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho hộ quản lý, bảo vệ, chăm sóc, phát triển của chính quyền Nam Giang đã góp phần bảo vệ rừng của địa phương. “Hiện nay, đã hình thành rõ nét vùng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và khai thác lợi ích kinh tế rừng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kiểm kê, rà soát, đo đạc diện tích đất chưa sử dụng để đẩy mạnh chủ trương phát triển trồng cây cao su đại điền, tiểu điền. Ngoài ra, khảo sát, khoanh vùng và chăm sóc, phát triển các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như: ươi, lòn bon, tà vạt…” - ông Lê Văn Hường, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang nói thêm. Với chính sách này, Nam Giang đang tiến từng bước vững chắc để tạo bộ mặt mới cho nền nông nghiệp của mình, dần dần cải thiện đời sống của người dân và quan trọng nhất là hướng đến một tương lai bền vững cho sự phát triển.