Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Mô hình "ba cây, ba con" ở Nam Giang

Năm năm qua, Huyện ủy Nam Giang (Quảng Nam) đã đề ra nhiều chủ trương về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, bước đầu đã đạt những kết quả đáng kể; tình trạng phá rừng làm rẫy được khắc phục, đời sống người dân từng bước được cải thiện, hộ nghèo giảm rõ rệt.

Nằm ở phía tây bắc, tiếp giáp nước bạn Lào, huyện Nam Giang là một trong những huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Toàn huyện có diện tích tự nhiên hơn 180 nghìn ha, nhưng diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa nước không nhiều. Do vậy, người dân nơi đây sống dựa vào rừng và nương rẫy là chính. Theo điều tra mới đây, dân số toàn huyện có hơn 20 nghìn người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%) sinh sống trên địa bàn 11 xã, thị trấn. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Bí thư Huyện ủy Nam Giang Chờ Rum Nhiên cho biết, với địa hình núi cao, cách trở, ruộng đồng không chủ động được nước, nên không thể đẩy mạnh phát triển cây lúa nước và hoa màu. Do vậy, chủ trương của huyện là duy trì cây lúa để cơ bản đủ gạo, giải quyết cái ăn cho người dân địa phương, việc trồng lúa ở đây năng suất thấp, hiệu quả không cao.

Chính vì vậy, huyện Nam Giang đề ra chủ trương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, địa phương xác định được mô hình “ba cây, ba con”. Theo đó, ba cây được chọn đưa vào trồng là: cao su, keo, chuối; còn ba con gồm: lợn, dê và bò... Để đem lại hiệu quả trong công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện quyết định hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 200 triệu đồng/năm. Tổng nguồn vốn dành cho thực hiện chương trình này trong năm năm (2011 - 2015) với số tiền hơn 32 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương hơn 14 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức khác…

Điều đáng nói là từ khi có chủ trương của huyện về công tác giảm nghèo và mô hình “ba cây, ba con”, Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương đã kề vai sát cánh cùng bà con. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Giang đã và đang triển khai bảy chương trình cho vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, với tổng dư nợ lên đến 80 tỷ đồng. Điển hình như ở xã Tà Bhing, bằng số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân trong xã đã đầu tư mua gần 20 con bò sinh sản, năm con lợn giống và hơn 130 nghìn cây keo giống để trồng 140 ha. Các đồng chí lãnh đạo ở xã Tà Bhing cho biết, từ khi có sự quan tâm, hỗ trợ của huyện và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân trong xã đã có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Từ đó, bà con nơi đây không những không phá rừng làm rẫy mà còn tích cực tham gia các dự án trồng cao su, trồng keo… để tăng thu nhập và góp phần tăng độ che phủ rừng. Không riêng gì xã Tà Bhing, khi chúng tôi đến xã Đăk Tôi, ông Pơ loong A Bloo cũng bày tỏ niềm vui: Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, gia đình ông đã mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, ông Pơloong A Bloo có hơn 30 con lợn rừng và 20 con bò… Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình ông cũng lãi vài chục triệu đồng.

Qua trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo huyện, chúng tôi được biết, cùng với vận động bà con chăn nuôi gia súc, Nam Giang có chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trồng cao su tại địa phương. Từ 45 ha cao su do Công ty cao su Nam Giang trồng thử nghiệm ở thôn Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ) vào năm 2008, đến nay toàn huyện đã có hơn 1.400 ha cao su đại điền và tiểu điền. Diện tích cao su trồng trong vụ đầu tiên bắt đầu lấy mủ. Tuy mới trong giai đoạn đầu, diện tích cao su hiện tại trên địa bàn huyện chưa nhiều, nhưng trồng cao su thật sự đã tạo ra chuyển biến rõ rệt. Từ khi đưa cây cao su vào trồng, không chỉ tạo việc làm tăng thu nhập mà nhận thức của người dân cũng được nâng lên. Trước đây, người dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, cuộc sống bấp bênh, nhưng từ ngày đưa cây cao su vào trồng, hằng tháng người dân được doanh nghiệp trả tiền công chăm sóc, có tiền để mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình và chăm lo cho con ăn học.

Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Lăng Mai cho biết, qua hơn năm năm triển khai công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp ở huyện đã có bước chuyển biến đáng kể. Cây cao su được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 72% (năm 2010) nay xuống còn 53%. Cùng với mở rộng diện tích cao su, keo và chuối, những năm gần đây, đàn gia súc của huyện tăng lên rõ rệt. Hiện tổng đàn bò có 5.670 con, dê gần 1.000 con và lợn có hơn 7.640 con. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là để có con giống lợn rừng thuần (F1) chất lượng, Trạm Khuyến nông huyện đã đầu tư xây dựng khu nhà trại để chăn nuôi, nhân giống cấp để cung ứng cho các hộ; đồng thời thành lập Tổ hợp tác để làm đầu mối thu mua và tiêu thụ sản phẩm lợn cho bà con nông dân. Trong những năm tới, huyện Nam Giang tiếp tục chuyển diện tích lúa rẫy sang trồng cây bắp, sắn; đồng thời tiến hành khảo sát, khoanh vùng và chăm sóc, phát triển các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao.

     Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Nam Giang sẽ tranh thủ các nguồn đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh; tổ chức lồng ghép các chương trình dự án với chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong năm năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn đạt hơn 420 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện được đầu tư xây dựng đã tạo ra diện mạo mới cho nông thôn; góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân miền núi.

Tác giả: Quốc Việt

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết