Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Sức hút từ thổ cẩm Za Ra

Với những sản phẩm đẹp mắt, đa dạng, độc đáo... thổ cẩm truyền thống Cơ Tu ở thôn Za Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) đang tạo hấp lực cho du khách và mang lại hiệu quả thiết thực cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan - Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Za Ra, trước đây làng nghề dệt gặp khá nhiều khó khăn do thiếu nguyên vật liệu sản xuất, lại không tìm được đầu ra. Trong khi đó, các mặt hàng sản phẩm làng dệt nhỏ lẻ, không tạo được sức hút cho du khách. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” được triển khai thực hiện, sản phẩm làng nghề dệt Za Ra đã có “đất sống”, vì được đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm. “Họ đến đây, ngoài tham quan các điểm du lịch cộng đồng, còn tìm mua các sản phẩm của làng dệt Za Ra với sự thích thú vì sở hữu được món hàng độc đáo” - chị Lan chia sẻ.

Với sự độc đáo, đa dạng, sản phẩm dệt Za Ra luôn thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Với sự độc đáo, đa dạng, sản phẩm dệt Za Ra luôn thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khi sản phẩm du lịch bằng thủ công dần có đầu ra, những phụ nữ ở Za Ra có thêm thu nhập cho gia đình, có cơ hội góp sức khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu vốn ít nhiều đã bị mai một. Để sản phẩm dệt Za Ra có vị trí trong lòng du khách không phải là chuyện đơn giản, bởi lâu nay du khách chỉ muốn đến xem hơn là bỏ tiền túi ra mua. Bằng cách tạo các sản phẩm dệt đẹp mắt, độc đáo thông qua đợt tập huấn về mẫu mã, cách cắt may, chọn màu sắc... những phụ nữ làng nghề đã từng bước tạo nên sản phẩm của nghề dệt mới lạ hơn, độc đáo hơn khiến du khách không thể không mua làm kỷ niệm. Hiện có trên 40 sản phẩm mẫu túi, ví, ba lô… các loại được sản xuất tại Za Ra, tạo được chỗ đứng tại các quầy hàng lưu niệm ở TP.Hội An, Đà Nẵng, Sài Gòn và Hà Nội. Chị Zơrâm Rê, thành viên nhóm dệt thổ cẩm Za Ra cho biết: “Bây giờ, thỉnh thoảng lại có đoàn du khách tìm đến tham quan và mua các sản phẩm làng nghề. Dù sức mua không lớn nhưng cũng tạo được thu nhập cho chị em bằng chính công sức của mình. Sản phẩm dệt truyền thống Za Ra giờ đã trở thành món hàng lưu niệm thu hút du khách mỗi khi ghé thăm”.

Bây giờ, ở các sự kiện, chương trình văn hóa được tổ chức trong và ngoài huyện Nam Giang, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng truyền thống của làng nghề dệt Za Ra tham gia bày bán, quảng bá. Trên hành trình đưa các điểm không gian làng nghề, nhà văn hóa, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng, các mặt hàng truyền thống của làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra được đánh giá là một trong những sản phẩm tạo được hấp lực không chỉ cho du khách. Đó là một tín hiệu đáng mừng!

Tác giả: Vương Hoàng

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết