Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Xưởng đũa ở vùng cao

Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công nhàn rỗi, sự ra đời của xưởng đũa tại xã vùng cao Chà Vàl (huyện Nam Giang) đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương và từng bước giúp bà con người dân tộc thiểu số tìm việc làm mới.

Xưởng gia công chế biến nông lâm sản chuyên sản xuất đũa (xưởng đũa) của Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 (Quân khu 5) đóng tại thôn A Dinh (xã Chà Vàl). Xưởng đũa này bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 với số vốn đầu tư ban đầu là 120 triệu đồng. Xưởng hoạt động với quy mô gồm 4 máy dập đũa và 7 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. “Ngày trước chúng tôi không có công việc ổn định. Từ khi có xưởng đũa này và được người ta cho đi làm tại đây, tôi cũng đỡ vất vã hơn so với trước đây làm rẫy, làm ruộng mà không có thu nhập mấy. Tôi hy vọng nguồn thu nhập này sẽ được lâu dài và cuộc sống của gia đình sẽ đỡ hơn” - chị Tơ Ngôl Thị Nha ở xã Đắc Tôi (huyện Nam Giang), một công nhân trong xưởng đũa cho biết.
Từ những ngày đầu xây dựng dự án, Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 đã tìm hiểu về nguồn nông lâm sản đặc trưng của vùng để xây dựng các mô hình gắn liền với người bản địa. Lồ ô là một trong những nguyên liệu dồi dào ở vùng miền núi Quảng Nam. Bên cạnh nguồn nguyên liệu tại chỗ, lực lượng nhân công nhàn rỗi, nhu cầu tiêu dùng cao, việc triển khai thí điểm xưởng sản xuất đũa với quy mô nhỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. “Việc mở xưởng đũa này, trước mắt sẽ tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 100 nghìn đồng/ngày/lao động. Mô hình này ban đầu đã giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập trang trải đời sống, sau này tùy theo điều kiện sẽ mở rộng xưởng sản xuất, hy vọng sẽ giải quyết thêm nhiều lao động” - Thượng tá Đoàn Đình Thục – Giám đốc Xưởng gia công chế biến nông lâm sản Đoàn kinh tế quốc phòng 207 nói.  

Xưởng đũa đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: N.Minh
Xưởng đũa đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: N.Minh

Để bà con thực hiện đúng các quy trình sản xuất, đơn vị 207 đã thuê thợ ở Hội Người mù chuyên sản xuất đũa dưới TP.Đà Nẵng lên tập huấn cho bà con. Trong những tháng đầu hoạt động, đơn vị còn thuê lao động lành nghề ở Đà Nẵng cùng làm và cùng giám sát công việc tại xưởng. Xưởng đũa hoạt động theo giờ hành chính 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần để bà con tập dần thói quen làm việc công nghiệp. Nhờ đó, sau gần nửa năm đi vào hoạt động, bà con giờ đây đã làm việc rất “chuyên nghiệp”, từ việc tuân thủ giờ giấc tới khâu chọn nguyên liệu, cắt khúc, bó và xếp đũa…. Chị Tơ Ngôl Thị Nhơn ở xã La Dêê (huyện Nam Giang) làm công nhân trong xưởng đũa từ những ngày đầu, vui mừng nói: “Họ giới thiệu chúng tôi đến đây làm việc. Ban đầu chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào cả, họ bày sao thì mình làm vậy thôi. Nếu xưởng này hoạt động lâu dài thì chúng tôi rất muốn được làm việc tại nơi này. Mỗi tháng người ta trả cho mình 3 triệu đồng, so với việc đi làm nương rẫy thì nhàn hơn và cũng đỡ khổ hơn, bởi vì công việc này không phải dang nắng, mình ở trong mát”.

Sau khi đóng gói những bó đũa, mỗi tuần một đợt, đơn vị 207 chuyển xuống Đà Nẵng để tiêu thụ. Với nhịp độ sản xuất hiệu quả như hiện nay, thời gian tới, đơn vị 207 dự định sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình chế biến khác tại các địa phương nằm trong vùng dự án đơn vị quản lý. “Sau xưởng đũa là một chuỗi các xưởng chế biến khác như lò sấy lúa, sấy bắp, sấy đậu để phục vụ cho bà con trong mùa mưa bão. Đặc biệt, đơn vị sẽ triển khai xây dựng một số xưởng chế biến để giải quyết việc làm cho nhân công tại chỗ, tận dụng nguồn nguyên kiệu dồi dào trong vùng, đồng thời từng bước làm sao cho bà con làm quen với tác phong làm việc có kế hoạch và giờ giấc hơn…” - Thượng tá Đoàn Đình Thục cho biết thêm.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết