Nam Giang có diện tích lúa nước trên 350 ha nằm rải rác tại 12 xã, thị trấn, địa hình dốc không bằng phẳng, không phù hợp thực hiện cánh đồng mẫu lớn hoặc dồn điền đổi thửa. Xét về điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai, nguồn nước canh tác lúa SRI rất phù hợp với địa hình miền núi,
Năm 2012, chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam được sự hỗ trợ của tổ chức cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) đã triển khai thực hiện mô hình lúa SRI trên địa bàn huyện Nam Giang, vụ hè thu 2012 thực hiện tại 02 thôn La bơ A và La bơ B, xã Chà Vàl, đến nay đã thực hiện được 06 thôn trên địa bàn 5 xã (Chà Vàl, Đắc Tôi, Tà Bhing, La Dê, Thị trấn Thạnh Mỹ). Tuy nhiên, quy mô thực hiện canh tác lúa SRI mới triển khai tại một số thôn của các xã.
Trong thời gian triển khai dự án tại địa bàn huyện từ năm 2012 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trạm Nông - Lâm nghiệp huyện, UBND các xã Chà Vàl, Thị trấn Thạnh Mỹ, Tà Bhing, Đắc Tôi và xã La Dê tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thực hiện các thử nghiệm đồng ruộng để theo dõi, đánh giá và rút ra những yếu tố kỹ thuật sản xuất cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại đồng ruộng của mình.
Qua gần 03 năm triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa SRI tại 06 thôn, đánh giá cuối kỳ vào tháng 11/2014, năng suất theo mô hình canh tác lúa cải tiến SRI cao hơn theo phương pháp sản xuất truyền thống từ 6 - 8 tạ/ha. Chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015, sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật giảm dần, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Nông - Lâm là đơn vị chủ công trong công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật để người dân thực hiện canh tác lúa nước cải tiến SRI, từng bước mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa, đổi mới được cách nghĩ, cách làm của người nông dân, đưa mô hình lúa SRI triển khai trên diện rộng, góp phần cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ vùng miền núi.