Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nam Giang: Bảo tồn và phát huy những trang sức truyền thống của người Cơ tu

Thời gian này, đến với đồng bào Cơ tu tại các địa phương của huyện Nam Giang,hòa mình vào không khí lễ hội, chúng ta được các chàng trai, cô gái Cơ tu tiếp đón nồng hậu, cùng say xưa với các vũ điệu tung tung, za zá, được ngắm các cô gái cơ tu trong trang phục truyền thống như bộ quần áo thổ cẩm, chúng ta còn được ngắm nhìn những cô gái trong các sắc màu trang sức truyền thống như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng tay, dây cườm, mã não...những trang sức này đã tô thêm vẻ đẹp của những người phụ nữ Cơ tu thêm rực rỡ hơn.

Theo phong tục của người Cơ Tu huyện Nam Giang, ngay từ nhỏ từ trẻ hay già hầu hết đều trang bị cho mình những chiếc vòng đeo cổ với độ dài, ngắn, những chuỗi hạt cườm nhiều màu... Trong đó, chuỗi mã não là một loại trang sức chủ đạo, không thể thiếu trong trang phục hằng ngày cũng như vào ngày Tết, lễ cưới, hỏi, lễ hội... Những chuỗi trang sức bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn, lục giác hay bầu dục. Xen kẽ giữa các hạt mã não là những nanh heo rừng, lông gáy heo rừng, vuốt con gấu, hình nhân gỗ làm bằng gỗ quý. Chuỗi trang sức càng đẹp, nanh heo càng dài được coi là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, địa vị của người đó trong cộng đồng.

Ngày xưa, con trai Cơ Tu thường tặng người yêu những hạt mã não, hạt cườm. Không những thế, của hồi môn của cha mẹ cho con gái Cơ Tu về nhà chồng cũng bằng trang sức, tùy theo khả năng từng gia đình mà cho nhiều hay ít. Trai Cơ Tu nghèo, không có trang sức thì rất khó lấy vợ và món quà đầu tiên để làm sính lễ với cha mẹ vợ cũng là những vòng mã não, những trang sức, hạt cườm. Trao đổi với chúng tôi: Bà Ria’h Tâm, thôn Za Ra- Ta Bhing cho biết: “Nhà tôi có rất nhiều sợi dây cườm, dây mã não do ông bà ngày xưa để lại, mỗi khi lễ hội tôi thường đem ra đeo lên người, làm như thế này vừa để tôi đẹp hơn trong ngày hội, cũng như để con cháu biết được kỷ niệm, truyền thống của ông bà, để giữ gìn đến muôn đời sau”.

Phụ nữ Cơ Tu có rất nhiều loại trang sức được làm từ những chất liệu đơn giản như nhôm, đồng hoặc bạc hay đá... Từ rất lâu rồi, đời này truyền qua đời khác, những trang sức đơn giản trên được phụ nữ Cơ Tu mang vào lễ hội của bản làng. Những hạt cườm, khuyên tai, vòng cổ làm cho phụ nữ tụi mình đẹp hơn khi cùng nhảy điệu tâng tung da dá dưới ánh lửa bập bùng. Người Cơ Tu vốn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Cùng với những chất liệu, họa tiết, hoa văn, cách phối màu đỏ đen truyền thống…, việc đính hạt cườm trên mỗi tấm váy áo của phụ nữ được coi là điểm khác biệt nhất trong nghề dệt của phụ nữ Cơ Tu. “Những hạt cườm được đính trên vải cũng là cách trang sức đặc biệt. Nó như những chuỗi hạt được bố trí bắt mắt với những hoa văn đặc trưng, khi phụ nữ mặc lên chẳng khác gì đang đeo những trang sức vào người” .

Hiện tại, trang sức truyền thống của phụ nữ Cơ Tu đều được truyền qua các đời chứ hầu như không được làm mới nữa. “Lớp trẻ hiện nay được tiếp xúc với nhiều cái mới nên những trang sức xưa cũ không được sử dụng nhiều. Chỉ những người già, trong dịp lễ hội, tết mùa mới sử dụng. Tuy nhiên, một số nơi vẫn cố gắng để lưu giữ những nét đẹp đặc trưng này, đó là điều rất đáng trân trọng” .

Những chiếc vòng cổ, đeo tay hay những hạt cườm của phụ nữ Cơ Tu được làm thủ công, rất thô sơ nhưng không kém phần thẩm mỹ. Dù chất liệu chỉ bằng đồng hoặc nhôm, hạt đá xâu cườm nhưng được phối màu và thiết kế đặc trưng, mang nét văn hóa riêng. Chị Bnướch Thị Tâm, thôn Za Ra, xã Tà

 Bhing cho biết, ngay từ nhỏ đã được chỉ cho cách đính hạt cườm lên vải để dệt, tự làm những trang sức yêu thích. “Hiện nay, có nhiều thứ trang sức khác đẹp hơn, tinh xảo hơn, nhưng mỗi khi lễ hội tôi vẫn chọn những trang sức xưa cũ để mang lên người. Bởi khi đó mới thấy mình là người con Cơ Tu đích thực, được sống trong mùa lễ hội của dân tộc mình.

Đối với phụ nữ Cơ Tu, được mang lên người những trang sức truyền thống không những tôn vinh vẻ đẹp mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa dân tộc. Cũng theo chị, dù hiện tại có nhiều thứ trang sức khác đẹp hơn, tinh xảo hơn, đắt tiền hơn nhưng về giá trị tinh thần không thể bằng những trang sức do chính bàn tay của chồng hay mình làm ra.

Nhằm bảo tồn và giữ gìn các trang sức truyền thống của người Cơ tu cũng như các giá trị về văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện,những năm qua huyện Nam Giang đã có nhiều nỗ lực cùng các cấp,ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động như thành lập các câu lạc bộ dân ca,dân vũ,tổ chức lễ hội cồng chiêng,thi ẩm thực….qua đó đã góp phần giúp người dân nâng cao ý thức và nhận thức được những giá trị truyền thống của cha ông mình để lại nhằm lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo lời các già làng, những người già Cơ Tu lớn tuổi thì đặc tính của hạt cườm và các hạt mã não của các vòng này có độ bền cao, dù đã qua bao đời sử dụng của cha ông họ trước kia mà hạt vòng vẫn đẹp, bền, không để lại vết xước, đốt không cháy, đập không vỡ, không phai nhạt màu sắc. Vòng đeo cổ này được xâu bằng nhiều hạt cườm tròn, xen kẽ với các hạt mã não tròn, dẹt hoặc hình thoi, hình vuông. Khi đeo vòng này, bao giờ người Cơ Tu cũng mặc thổ cẩm và thường đeo thêm kiềng bạc to, tròn. Mã não được họ xem như là vật thiêng giúp người tránh xa tà ma, bệnh tật, là cái để làm đẹp, tránh gió độc, bảo vệ sức khỏe.

Trang sức là tượng trưng cho cái đẹp nên được đồng bào Cơ Tu khắc họa sinh động trong nghệ thuật trang trí dân gian. Hoa văn trên trang phục thổ cẩm, nhà làng truyền thống, cột lễ đâm trâu và một số vật dụng khác, hình mã não là mô típ khá phổ biến, hoa văn mã não được thể hiện một cách sáng tạo, đan xen, hòa quyện với mô típ hoa văn khác như hoa văn chày cối, hoa văn ngọn chông, hoa văn hàng rào... tạo nên nét đặc biệt trong truyền thống dân tộc của người Cơ tu.

     Hiện nay, tại các bản làng đồng bào Cơ Tu huyện Nam Giang vẫn còn rất nhiều già làng hay người già lớn tuổi còn bảo tồn và lưu giữ những trang sức quý được lưu truyền từ đời này sang đời khác và  được coi như là những báu vật quý giá, hiếm có. Đây không chỉ là đồ vật trang sức của cộng đồng Cơ Tu mà còn là một tài sản văn hóa vật thể chung của dân tộc Cơ tu đang được các thế hệ và các cấp ngành trên địa bàn lưu giữ, bảo tồn.

Tác giả: Văn Thủy - Văn Khanh

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết