Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Lửa tháng Ba

Những ngày đầu tháng Ba năm Bảy lăm…

Bảy tháng - tính từ ngày Thượng Đức được giải phóng. Trong bảy tháng, liên miên những trận chiến kéo dài khốc liệt giữa bộ đội Sư đoàn 304 và Quân đoàn lính Dù Sài Gòn trên điểm cao “đỉnh máu” 1062. Sau những ngày đêm ròng rã máu lửa, đến thời điểm này cũng đã lắng xuống. Quân địch co cụm lại. Dưới sự động viên của chính quyền cách mạng, nhân dân từ các vùng sơ tán ở ngả sông Con như Làng Hiệp, Bồ Lô Bền; ngả sông Cái từ hướng Thạnh Mỹ, Đá Trắng, Đầu Gò, Ba Tớt, Đồng Chàm… lần lượt trở về làng khai hoang vỡ hóa, tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, góp phần cải thiện đời sống, chống chọi bệnh tật, gian khó, đạn bom trong những ngày đầu khi quê hương vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của quân thù.

Cán bộ, chiến sĩ về thăm chiến trường xưa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.Ảnh: BÍCH LIÊN
Cán bộ, chiến sĩ về thăm chiến trường xưa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.Ảnh: BÍCH LIÊN

Về làng. Ban đầu chỉ là những người trụ cột lao động trong gia đình. Tiếp đến phụ nữ, thiếu niên, trẻ nhỏ… rồi cả nhà cùng về. Ban tự quản thôn, các đoàn thể phụ nữ, nông hội, thanh niên… tổ chức sinh hoạt; đội du kích thôn, du kích xã canh gác giữ làng, phục vụ chiến trường khiêng thương tải đạn.

Từ ngày đầu mới giải phóng Thượng Đức, sau khóa học 7 ngày tại trường Quân Chính của tỉnh đóng ở Thạnh Mỹ (Nam Giang bây giờ), mỗi chúng tôi được các ban ngành của tỉnh, khu, miền đến tuyển lựa về tham gia công tác cách mạng. Tôi và mấy người bạn được Ty Giáo dục Quảng Đà tuyển chọn. Sau một thời gian học lớp sư phạm cấp tốc, cùng các anh chị đồng khóa về lại Thượng Đức, đi xuống các thôn của xã Lộc Bắc, Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh… tổ chức các lớp học với quyết tâm dù trong hoàn cảnh chiến trận vẫn không để cho lớp trẻ thất học. Được các anh chị cán bộ giáo dục của huyện như anh Thức, anh Hanh; của tỉnh như  anh Lê Tấn Công, chị Huế, chị Nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ… lần lượt các lớp học được ra đời. Dù trên bom dưới đạn vẫn duy trì được nền nếp.

Hàng tháng chúng tôi về huyện (đóng tại Hội Khách, Lộc Ninh) để nhận tiêu chuẩn lương thực 45 lon gạo cho một người, thực phẩm tự túc. Học trò và thầy giáo đôi khi không chênh lệch nhau lắm về tuổi tác vẫn chung lớp chung trường không chút ngại ngần e dè, tự ti. Những buổi học dở chừng phải dừng lại xuống hầm tránh pháo; những lần nghỉ dạy cùng các anh xã đội vào tận các trận địa dưới chân đỉnh 1062 để khiêng thương, tiếp tế thực phẩm, đạn dược cho các đơn vị bộ đội đang chiến đấu. Có những ngày nghỉ vào Gò Hiu làm phân xanh để bón đồng canh tác lúa… đầy ắp tình thầy trò.

Những ngày đầu tháng Ba năm ấy, quân giải phóng bắt đầu các chiến dịch bằng những trận đánh lấn về phía đông. Các đơn vị bộ đội của Sư đoàn 304, của bộ đội Quảng Đà… đêm đêm hành quân hướng về phía biển. Mỗi ngày, thông tin các vùng Hà Nha, Lam Phụng, Bàng Tân vừa được giải phóng, quân địch tháo chạy về Ái Nghĩa. Nhân dân các vùng dưới ấy tản cư lên Thượng Đức để tránh bom đạn. Nhà nhà ở các làng từ Đại An đến Dục Đông chật người lánh nạn. Hơi hướng không khí của một ngày giải phóng Đại Lộc, Đà Nẵng, sum họp Bắc Nam, thống nhất đất nước như cứ đang đến gần, đến gần…

Nhân dân các thôn theo lệnh của Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện, xã, Ban tự quản thôn cho thành lập các đội xung kích ở các đoàn thể, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khiêng thương tải đạn phục vụ chiến trường. Chúng tôi là giáo viên, ngoài nhiệm vụ dạy học, được Phòng Giáo dục chỉ đạo tham gia lực lượng du kích xã, thôn; khi cần bổ sung vào lực lượng chiến đấu và thực hiện theo lệnh cấp trên khi có tình huống cần thiết.

Một buổi sáng vào khoảng trung tuần tháng 3.1975, tại cơ quan thôn Hà Dục Tây xã Lộc Bắc, tôi cùng chị Huế, chị Nghĩa, là cán bộ trên Ty Giáo dục về đứng cánh để mở một lớp học mẫu giáo thí điểm. Cả buổi sáng, chúng tôi dán băng khẩu hiệu, trang trí cờ hoa, ảnh Bác Hồ để chiều mời bà con trong thôn và các cháu học sinh đến tổ chức lễ khai giảng. Trưa hôm ấy, đang loay hoay hoàn tất những phần việc cuối thì có báo động xuống hầm tránh  pháo. Chúng tôi vừa vào hầm trú ẩn thì nghe một tiếng nổ chát chúa trên đầu mình, mảnh pháo văng tứ tung. Xong trận pháo kích của địch, vừa chui lên khỏi miệng hầm trú ẩn thì ai nấy trong chúng tôi đều không khỏi bàng hoàng với quang cảnh bày ra trước mắt: cả ngôi nhà họp vừa trang trí để tổ chức lễ khai giảng đã thành một đống gạch vụn, đổ nát, tan hoang bởi một trái pháo 155 ly của địch từ cứ điểm Bồ Bồ bắn lên. Hành động điên cuồng bắn phá về phía vùng giải phóng đã cho thấy sự hoảng loạn đến tuyệt vọng của kẻ thù; càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân cho một chiến thắng không còn xa nữa.

Rồi cho đến cái ngày 28.3.1975, với khí thế tiến công như thác đổ, những cánh quân từ vùng A Thượng Đức tiến xuống, vùng B tràn qua, nổi dậy và tiến công. Cầu Chìm, Núi Lở, Ái Nghĩa... rồi toàn huyện Đại Lộc được giải phóng. Khi tàn quân địch tháo chạy, chẳng hiểu vì lý do hoảng loạn nào đó mà bọn chúng đã trút hàng loạt những pháo kép pháo bầy từ sân bay Nước Mặn, từ các hạm đội ngoài biển… về phía Thượng Đức. Hôm ấy, cả cánh đồng, ven sông, làng mạc của Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Bắc… đều bị pháo rơi trúng nhiều nơi. Vào lớp buổi sáng, chúng tôi chỉ kịp sơ tán học sinh xuống hầm trú ẩn. Mảnh đạn pháo  phạt nát cả cây cối, ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa. Tôi đang dạy các em lớp ba ở nhà ông Hoành, thôn Đại An. Đạn pháo nổ quanh lớp học. Có những mảnh đạn rơi cách tôi chưa đầy nửa mét, quay vù vù găm vào mấy thùng phuy phát ra âm thanh chát chúa nghe đến rợn người. Khi các em đã vào hết trong hầm trú ẩn, hầm chật nên tôi phải ngồi ngay trước cửa, tuy có chút nguy hiểm nhưng cũng thấy an tâm phần nào cho học trò của mình. Đến trưa, chờ cho đợt pháo dứt hẳn tôi mới cho các em chạy về nhà. Chiều hôm đó, nhận được tin chiến thắng từ huyện hỏa tốc gửi về, tôi cùng một số anh em trong tổ thông tin của xã Lộc Bắc do chú Lê Văn Thọ chỉ huy đi phát loa thông tin cho bà con nhân dân trong toàn xã được biết quê hương Đại Lộc được giải phóng. Bản tin đọc trên loa phóng thanh cả mấy chục lần đến khản cả giọng rồi mà chúng tôi vẫn không muốn dừng lại; cảm xúc cứ rưng rưng. Rồi với khí thế tiến công và nổi dậy như thác đổ, ngày hôm sau, 29.3.1975, Đà Nẵng cũng được giải phóng hoàn toàn.

Bốn mươi năm đã trôi qua, so với sự hữu hạn của đời người thì là khoảng thời gian quá dài. Nhưng với chúng tôi, những ngày khói lửa ngút ngàn ấy vẫn còn in đậm trong ký ức, trong tâm khảm mỗi người ngỡ như mới hôm qua. Ngọn lửa tháng Ba năm ấy, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cháy bỏng sẽ mãi là những dấu ấn khó phai mờ với mỗi cuộc đời. Còn với quê hương, sẽ luôn là khúc ca bất tử hát về truyền thống kiên cường của vùng đất, con người nơi đây một thời bom đạn.

Tác giả: Bút ký NGUYỄN HẢI TRIỀU

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết