Người dân hưởng lợi
Cuối chiều, sau chuyến lên rẫy, cụ bà Bh’nướch Thị Bướih (ở làng Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) ngồi nghỉ bên đường đợi đứa con trai đến chở về. Dù chiếc gùi luôn nặng trĩu, chứa đầy các mặt hàng nông sản nhưng bà Bướih cho hay, bà đã không còn cảm giác lo lắng như trước đây mỗi khi đi làm về. Kể từ khi con đường Trường Sơn Đông được xây dựng, người dân bản địa được thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản từ rẫy mang về nhà trong mỗi mùa thu hoạch. “Có con đường này, đồng bào ai cũng vui, cũng phấn khởi. Có thể đi xe máy đến tận rẫy, tận nà nên bớt thời gian, công sức đi lại khó khăn” - bà Bướih bộc bạch.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong chuyến kiểm tra thực tế tuyến đường Trường Sơn Đông tại Quảng Nam mới đây. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Dọc đường Trường Sơn Đông, những căn nhà của đồng bào Cơ Tu, Ve được dựng lên ngày càng nhiều. Làng Dung, làng Mực, hay khu Vườn Ươm (thị trấn Thạnh Mỹ) bây giờ không còn ẩn nấp dưới những tán rừng già như trước đây. Bên con đường nhựa uốn lượn, từ trên cao nhìn về, những bản làng của đồng bào vùng cao hiện vẻ đẹp riêng biệt. Ông Hiên Nao, một người dân ở khu Vườn Ươm cho biết, khi dự án đường Trường Sơn Đông được triển khai, người dân địa phương đã có nhiều hưởng lợi. Chưa kể đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án con đường đã giúp việc đi lại được thuận lợi, vận chuyển nông sản từ rẫy, nà được dễ dàng, nhất là trong mùa thu hoạch. Từ ngày con đường được khai mở, đồng bào bản địa có thêm không gian vui chơi, giải trí. Thay vì chỉ quanh quẩn trong làng, buổi sáng hay cuối chiều mỗi ngày, rất đông người dân tìm về vui chơi dọc con đường, kiếm tìm cho mình niềm vui sau những ngày lao động mệt nhọc. Sự đồng thuận cho công trình dự án đường Trường Sơn Đông đang dần lan tỏa từ phía đồng bào bản địa, tạo cơ hội giúp địa phương phát triển, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng đời sống.
Con đường được mở, khoảng cách từ nhà đến bãi trồng bắp, đậu cũng trở nên gần hơn. Những con dốc trước đây cheo leo, hiểm trở nay đã được đắp bằng phẳng với những công trình phúc lợi trong dự án đường Trường Sơn Đông. Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, dự án đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn huyện có chiều dài hơn 7km. Quá trình thực hiện dự án đã ảnh hưởng đến 81 hộ dân, trong đó có 5 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đã triển khai thực hiện bồi thường với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Riêng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, chính quyền huyện Nam Giang cũng đã bố trí lại đất để các hộ có điều kiện xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Cơ hội phát triển vùng
Dự án con đường Trường Sơn Đông từ thị trấn Thạnh Mỹ đến xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) dài hơn 130km, đi qua nhiều bản làng của đồng bào vùng cao. Sự thay đổi trong cuộc sống mỗi ngày do con đường mang lại đã giúp đồng bào nhận thức được cơ hội phát triển, tạo sự kết nối giữa các vùng, các địa phương miền núi trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Là tuyến đường lịch sử huyết mạch, có ý nghĩa chính trị, quốc phòng, kinh tế - xã hội quan trọng, đường Trường Sơn Đông được ví như mạch máu đem lại cuộc sống mới cho hàng triệu hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng.
Đồng ý xây dựng Tượng đài Trường Sơn Đông
Liên quan đến việc xây dựng biểu tượng đường Trường Sơn Đông tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng trình bày về phương án, quy hoạch tổng thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhất trí cao với quy hoạch xây dựng quần thể Tượng đài Trường Sơn tại nút giao đầu tuyến đường Trường Sơn Đông với đường Hồ Chí Minh. Để đảm bảo xứng tầm với giá trị, ý nghĩa của Tượng đài Trường Sơn Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý huyện Nam Giang cần kết nối tượng đài với công tác quy hoạch phát triển thị trấn Thạnh Mỹ trong tương lai, sớm hình thành và đưa không gian văn hóa phục vụ tham quan di tích của người dân và du khách. |
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (Phó ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về xây dựng dự án đường Trường Sơn Đông và đường tuần tra biên giới), dự án đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 671km (trong đó đoạn đi qua Quảng Nam dài hơn 140km), được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường 5,5m với kết cấu mặt đường cấp cao bê tông xi măng và bê tông nhựa. Tuyến đường có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) và điểm cuối thông với tỉnh lộ 722 (thuộc địa phận xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Sau khi hoàn thành, con đường sẽ đi qua 53 xã, thị thấn thuộc 18 huyện, thị trấn của 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Đến nay, dự án đã triển khai được 57 gói thầu, thi công thông tuyến khoảng 460km, nối thông 5/7 tỉnh giữa tuyến, hoàn chỉnh khoảng 411km mặt đường cấp cao… với tổng kinh phí hơn 10 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu của chính phủ, do Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.
Tại chuyến kiểm tra thực tế tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, thuộc địa phận các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn và Hiệp Đức mới đây của đoàn công tác của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong công tác phối hợp triển khai xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, đây là tuyến đường lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Do vậy, các địa phương, đơn vị cần tập trung nhân lực, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thiện tuyến đường đúng theo kế hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý các địa phương cần kết nối giữa các vùng trên hệ thống đường Trường Sơn Đông, mở rộng nguồn lực và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.