|
Du khách giao lưu văn hóa cùng đồng bào Tà Bhing. |
Hướng dẫn viên không chuyên
Lâu nay, khách du lịch đến Ta Bhing không còn cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ và cách biệt với đời sống đồng bào miền núi bởi phần lớn các điểm tour tại các làng đã có các thuyết minh viên đảm trách. Chính họ - những hướng dẫn viên không chuyên sẽ đón tiếp khách, trò chuyện, giải đáp cho khách những câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu... Chúng tôi gặp Bnướch Tâm (27 tuổi), một hướng dẫn viên xinh xắn tại làng Zơra, được chị vui vẻ đón tiếp, trò chuyện cởi mở và sẵn lòng chia sẻ về văn hóa, lễ hội vùng miền, về nghề dệt truyền thống của làng cũng như đời sống của chị em trong tổ dệt từ năm 2003 tới nay. Cũng như ba chị em của làng Zơra và 8 thành viên khác ở các làng của xã Ta Bhing, Bnướch Tâm đã trải qua các khóa đào tạo nghiệp vụ, trở thành những thuyết minh viên của dự án du lịch cộng đồng do FIDR tài trợ. Suốt 3 năm qua, Bnướch Tâm và các hướng dẫn viên không chuyên đã có kinh nghiệm dẫn hàng trăm đoàn khách tham quan qua làng và các điểm tour khác. Chị tâm sự: “Giờ em đã mạnh dạn dẫn nhiều đoàn đi, chứ lúc trước run lắm. Phần lớn khi đến đây khách đều hỏi về văn hóa Cơ Tu, lễ nghi, sinh hoạt, về làng Zơra… Công việc này bên cạnh niềm vui và thú vị, mỗi ngày đưa khách đi tour em cũng có thêm nguồn thu nhập 120 nghìn đồng, giúp cải thiện đời sống”.
Tại điểm tour trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Bến Giằng, mỗi khi nhận được tin có đoàn khách chuẩn bị qua đây, ông Bling Riêu (74 tuổi, xã Ta Bhing) đã sẵn sàng đứng chờ khách. Ông Riêu là bộ đội tham gia chiến đấu chống Mỹ trên địa bàn Nam Giang nên tuyến đường Hồ Chí Minh và chiến trường Nam Giang đối với ông đã trở thành máu thịt. Có lẽ, Bling Riêu là hướng dẫn viên không chuyên cao tuổi nhất ở Ta Bhing. “Tôi tự hào khi được làm người hướng dẫn du khách tham quan nơi đây” - ông Riêu chia sẻ. Đến đây, được một nhân chứng lịch sử dẫn đi tham quan di tích chiến tranh vừa được phục dựng lại với những chiếc xe tải đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những chiến hào, giao thông hào từng gắn với những trận đánh ác liệt, những chiến công vang dội, những quá khứ bi hùng của cuộc chiến... đối với du khách không gì thú vị bằng. Không chỉ Bnướch Tâm, Bling Riêu, cái tên Alăng Thị Xuân đã được nhiều du khách qua đây biết tới bởi cô gái 23 tuổi này tỏ ra rất thông thạo tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Vào nghề từ năm 2014, với Alăng Thị Xuân, đây không chỉ là nghề có thêm thu nhập mà còn giúp cô gái trẻ cảm nhận sâu sắc và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Bríu Thương - điều phối viên Văn phòng điều hành tour dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, huyện Nam Giang cho biết, có thể nói, thành công từ dự án là đã đào tạo được 12 hướng dẫn viên không chuyên phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch của Ta Bhing nói riêng, Nam Giang nói chung. Ngoài ra, tại 7/7 thôn đều đã hình thành nhóm đón khách. Hiện tour “Hương sắc Cơ Tu” do địa phương thành lập từ sự đồng tình của bà con có 3 điểm tour chính như: điểm di tích lịch sử trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua Bến Giằng; thác Grăng và điểm tour du lịch tham quan 7/7 thôn bản Cơ Tu của xã.
Nâng cao đời sống
Làng dệt thổ cẩm truyền thống Zơra như được hồi sinh nhờ du lịch. Nếu trước, từ dự án khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu huyện Nam Giang, phụ nữ Cơ Tu làng Zơra được đào tạo, nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm, tạo hoa văn trên thổ cẩm, được giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề… thì trong vòng 3 năm trở lại đây, nhờ du lịch, đời sống người dân làng nghề có phần được cải thiện. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nam Giang đã hỗ trợ cho làng Zơra 10 máy may công nghiệp giúp chị em tổ dệt may có thể tạo ra những dòng sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và thị trường. Nhà trưng bày sản phẩm đã được xây dựng, nâng cấp, phục vụ nhu cầu trưng bày, tham quan. Mỗi tháng, tổ dệt may có thể tạo ra 100 - 300 sản phẩm tùy theo thị trường và đơn hàng, trung bình mỗi chị em có nguồn thu 300 – 500 nghìn đồng/tháng. Bà Pơloong Thị Thông (54 tuổi, làng Zơra) cho biết: “Từ ngày du khách tới thăm làng, bà con ở đây rất vui và phấn khởi vì có thêm được nguồn thu nhập, đồng thời cũng giúp khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổ trưởng nhóm dệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra chia sẻ, từ sự hỗ trợ của dự án du lịch dựa vào cộng đồng, chị em trong tổ ai cũng được đào tạo, nâng cao tay nghề, có thể dệt may được hơn 40 dòng sản phẩm thổ cẩm như túi xách, ba lô, túi du lịch, túi đựng iPad…, góp phần đa dạng chủng loại sản phẩm. Ra đời từ năm 2011, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra được xem là cầu nối tìm kiếm nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đưa sản phẩm đi quảng bá, chào hàng tại các hội chợ, tại các shop trưng bày đồ lưu niệm tại Hội An, Đà Nẵng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Pơloong Hon, Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho biết, sắp tới (tháng 3.2015), chủ trương của huyện là hướng tới hình thành Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng xã Ta Bhing, đây là bước chuyển mình, tự thân vận động của du lịch Nam Giang sau khi dự án kết thúc. “Qua 3 năm, các làng du lịch cộng đồng thuộc dự án đón hơn 500 lượt khách với số lượng từ 6 người trở lên, chủ yếu là khách Nhật. Có thể nói, du lịch cộng đồng bước đầu đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho bà con. Điển hình là Pà Vả, mỗi lần đón khách, bà con đều lấy số tiền đón tour đưa vào quỹ, mua trâu hoặc heo để tết làng. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào. Phát triển du lịch tạo cơ hội giao lưu văn hóa các nước làm cho đời sống bà con vùng núi Nam Giang trở nên văn minh hơn” - ông Hon cho biết.