|
Diện mạo mới của thôn 2, xã Tà Pơơ hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Được thành lập trên cơ sở chia tách từ hai xã Ta Bhing và Zuôih theo Nghị quyết số 03 của Chính phủ vào đầu năm 2011, xã Tà Pơơ hiện có 4 thôn với 295 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu, đa số là đồng bào Cơ Tu. Mới được thành lập, Tà Pơơ đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và điều kiện phát triển kinh tế khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bằng sự quyết tâm và tinh thần vượt khó, Đảng bộ và chính quyền xã Tà Pơơ đã phát huy thế mạnh, tận dụng các nguồn lực kinh tế, tập trung giảm nghèo và đạt nhiều kết quả.
Tập trung giảm nghèo
Ông Tơ Ngôl Kía - Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho biết, những ngày mới thành lập, Tà Pơơ đứng trước nhiều nỗi lo về đời sống kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Là địa phương thuần nông với sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 90% cơ cấu kinh tế, Tà Pơơ chú trọng đến công tác khai hoang ruộng lúa nước kết hợp chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp. Năm 2012, thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy và Nghị quyết 09 của HĐND huyện Nam Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xã Tà Pơơ đã triển khai đầu tư hỗ trợ, khuyến khích người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Trong các năm 2013 và 2014, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 400 triệu đồng hỗ trợ mua gần 12 nghìn cây keo giống, 6 con bò, cùng 21 con heo rừng cấp cho 64 hộ dân địa phương để có cơ sở phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đã góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã theo hướng ổn định và phát triển bền vững, gắn với xây dựng chương trình mục tiêu nông thôn mới. “Từ chỗ khó khăn thiếu thốn, đến nay đời sống người dân xã Tà Pơơ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng; mạng lưới điện nông thôn, điện thoại, internet; cơ sở trường học, đường giao thông nông thôn... cũng dần được mở rộng và đáp ứng với nhu cầu của nhân dân địa phương trong xã” - ông Kía nói.
Đến cuối năm 2014, Tà Pơơ có tổng diện tích gieo trồng hơn 450ha, trong đó diện tích sản xuất lúa nước 20ha; tổng sản lượng cây lương thực có hạt bình quân mỗi năm đạt hơn 357 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 2.500 con. Đến nay, toàn xã có 49 cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ; 2 cụm trường học gồm 17 phòng học với 275 học sinh; 176 gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa...
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Tà Pơơ phấn đấu tăng thu ngân sách mỗi năm 5 - 10%; hằng năm kết nạp 7 - 10 đảng viên mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%/năm. |
Năm 2012, với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân về khu tái định cư bị mất đất sản xuất, đời sống chưa ổn định, chủ yếu nhờ sự trợ cấp từ dự án sinh kế,... khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã Tà Pơơ còn đến hơn 58%. Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ, đầu tư thuộc chương trình giảm nghèo của Chính phủ, xã Tà Pơơ đã chủ động định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, tạo điều kiện để các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó, có nhiều hộ dân điển hình làm giàu như: Coor Dênh (ở thôn Vinh), Alăng Piêm (thôn 2 - Pà Păng),... và sẵn sàng giúp đỡ đồng bào địa phương cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài. Vượt qua bao gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Pơơ cùng quyết tâm nỗ lực, phấn đấu vì mục tiêu giảm nghèo, ổn định địa bàn dân cư, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển du lịch cộng đồng gắn với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Xây dựng Đảng vững mạnh
Đảng bộ xã Tà Pơơ có 7 chi bộ trực thuộc, tổng số 82 đảng viên. Để vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thực sự hiệu quả, Đảng bộ xã Tà Pơơ đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động góp phần vào thắng lợi chung. Ông Pơloong Lênh - Bí thư Đảng ủy xã Tà Pơơ cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số, cũng như công tác phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. “Thực hiện Nghị Quyết 03 của Huyện ủy Nam Giang về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, Đảng bộ xã đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động sát với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cây trồng, con vật nuôi, kết hợp với chăn nuôi đại gia súc, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo” - ông Lênh nói.
Cùng với việc xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền, Đảng bộ xã Tà Pơơ còn chú trọng đến công tác phát triển đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực sáng tạo trong thực tiễn. Do vậy, ngày càng nhiều đảng viên điển hình xuất sắc trong công tác, phát huy năng lực hiệu quả và tham gia nhiều hoạt động vì an sinh xã hội. Ông Lênh cho biết thêm: “Hàng năm, Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai tốt việc phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể về công tác vận động cán bộ và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để có mô hình nhân rộng”.
Diện mạo xã Tà Pơơ đang khởi sắc từng ngày, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Pơơ tiếp tục quyết tâm phát huy nội lực, xây dựng bộ máy chính quyền xứng đáng với niềm tin của nhân dân, trên hành trình tiếp bước truyền thống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.
|
Học sinh thôn Vinh (xã Tà Pơơ) vui bước đến trường trên cây cầu Coor Dênh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Cây cầu Coor Dênh
Về xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang), nhắc đến chàng thanh niên Coor Dênh người dân ai cũng trầm trồ, bởi anh là người đã tự nguyện bỏ tiền túi hơn 400 triệu đồng để xây cầu cho bà con dân bản đi lại được thuận tiện. Đặc biệt, việc làm của anh được gia đình, dòng tộc ủng hộ, sau khi anh phân tích phải trái, nói về nỗi ám ảnh khi trước đó từng chứng kiến một người bị nước cuốn trôi do không có cây cầu. Coor Dênh chia sẻ rằng, ban đầu vợ anh không chịu, bảo cầu là mọi người cùng đi, một mình bỏ tiền ra xây sao được. Tuy nhiên sau nhiều lần làm công tác tư tưởng nên vợ anh thông suốt và đồng ý làm cầu.
Từ khi có cây cầu, người dân thôn Vinh rất thuận tiện trong việc vận chuyển lương thực và đi lại. Trong thôn, gia đình nào sửa chữa hay xây dựng nhà cửa đã thuận tiện hơn trong khâu vận chuyển vật liệu. Những năm trước, khi chưa có cây cầu, hàng trăm hộ đồng bào ở thôn Vinh gặp khó khăn khi phải băng qua suối Lồ Ô. Và mỗi khi mùa mưa lũ về, ngôi làng Cơ Piếh lại bị cô lập hoàn toàn bởi dòng nước lũ. Câu chuyện cô lập, khó khăn trong việc đi lại của dân làng giờ đã lùi vào quá khứ khi cây cầu Cơ Piếh, hay còn được dân làng gọi bằng cái tên thân mật là cầu Coor Dênh hoàn thành.
B.T
|