Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Lên núi nghe hát chèo

Dù không phải là văn hóa bản địa nhưng hát chèo, hát dân ca lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc và sinh hoạt của đồng bào vùng cao Quảng Nam - tạo nên một không gian âm nhạc vừa mới mẻ, độc đáo, vừa gần gũi với cuộc sống ở núi rừng.

Những “nghệ nhân hát chèo”

Buổi trưa bên cánh võng, bà Zơrâm Thị Rơơm, ở thôn Abát (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) ru đứa cháu nội bằng dân ca quan họ Bắc Ninh đầy mượt mà, sâu lắng. Lời bài hát “Ngồi tựa mạn thuyền” được bà Rơơm thể hiện chỉ chốc lát đã “thôi miên” đứa cháu say giấc ngủ nồng. Như nhiều phụ nữ Cơ Tu khác trong vùng, trước đây khi còn trẻ, bà Rơơm thuộc rất nhiều bài hát chèo, dân ca quan họ. Theo thời gian, phần vì tuổi tác, phần vì bận bịu công việc gia đình nên bà cũng ít hát hơn. Dù vậy, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hay các dịp hội làng Abát, bà Rơơm vẫn xung phong góp vui bằng những làn điệu dân ca quan họ.

Biểu diễn hát dân ca quan họ của huyện Tây Giang tại đêm giao lưu chào mừng khai trương cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm, vào năm 2013. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Biểu diễn hát dân ca quan họ của huyện Tây Giang tại đêm giao lưu chào mừng khai trương cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm, vào năm 2013. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không chỉ riêng làng Abát, ở hầu hết vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn này cũng đều hát chuẩn các làn điệu chèo, dân ca miền Bắc. Với khả năng bẩm sinh về giọng hát, cộng với sự tiếp thu nhanh về giai điệu đã “khai sinh” nên những “nghệ nhân hát chèo” ở vùng cao phía Tây Quảng Nam. Đó là những cái tên như: Alăng Ơớih (thôn Abát, xã Chà Vàl), Tơ Ngôl Đoóch, Bh’ling Hạnh (thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang); Alăng Prót, Alăng Moong (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang); Alăng Mức, Pơloong Bh’looi (xã Lăng, huyện Tây Giang),… có thể hát chuẩn hàng chục bài chèo và dân ca quan họ Bắc Ninh. Như Alăng Mức, nay đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn luôn góp mặt ở hầu hết chương trình văn nghệ của xã Lăng chỉ bằng hát chèo. Mê hát chèo từ nhỏ, Mức luôn được xem là “nghệ nhân hát chèo” có tiếng ở xã Lăng từ nhiều năm nay. “Hồi xưa, vì mê hát chèo nên lúc nào bố cũng đeo đài (radio) bên mình. Đợi đến lúc phát chương trình thì mở nghe. Dù lên núi, lên rẫy cũng rứa. Quen rồi” - ông Mức kể.
Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, nghệ thuật hát chèo, hát quan họ rất phổ biến với đồng bào Cơ Tu, nhất là những năm sau giải phóng. Ở nhiều vùng, bây giờ vẫn còn nhiều người Cơ Tu hát chèo rất hay và chuẩn, chủ yếu họ thường học hát theo đài. Vào những dịp lễ tết, hội họp, hát chèo vẫn thường được đồng bào sử dụng để giao lưu văn nghệ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng làng.

Giao thoa văn hóa

“Người Cơ Tu hát chèo, hát quan họ khá phổ biến ở các huyện miền núi phía tây Quảng Nam. Họ hát chuẩn, chính xác và hay. Đây là dấu ấn để lại qua quá trình tiếp xúc với văn hóa chèo, quan họ từ nhiều cán bộ miền Bắc vào những năm kháng chiến chống Mỹ. Thường thì do yêu thích nên đồng bào đã tự học hát, rồi truyền dạy lại cho nhau. Tuy nhiên, đồng bào thường chỉ hát được một vài bài, chứ không thể sáng tác thêm lời mới. Do vậy, rất khó để phát triển được dân ca quan họ và hát chèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù vậy, sự tiếp cận, giao thoa văn hóa hát chèo đã tạo nên đời sống âm nhạc thêm phong phú, cũng như làm đẹp thêm văn hóa của đồng bào miền núi”.
                                     (Nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng)

Aviết Sĩ - phát thanh viên chương trình tiếng Cơ Tu (Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.Đà Nẵng) chia sẻ, thỉnh thoảng các thính giả là đồng bào Cơ Tu vẫn thường hay yêu cầu lồng ghép các bài hát chèo, hát quan họ trong các chương trình phát sóng mỗi ngày. Đáp ứng nhu cầu của thính giả, chương trình tiếng Cơ Tu hàng tuần cũng có chương trình riêng dành cho bạn nghe đài. Để chương trình được phong phú, các phóng viên còn đến tận làng bản xa xôi của đồng bào Cơ Tu để ghi âm các làn điệu hát chèo, hát quan họ bằng giọng hát những “nghệ nhân” người Cơ Tu bản địa. “Sức lan tỏa của nghệ thuật hát chèo, hát quan họ đã thu hút sự quan tâm của phần lớn đồng bào Cơ Tu. Ở nhiều vùng, họ mê hát còn hơn mê… rượu” - anh Sĩ cho hay.

Bà Zơrâm Thị Rơơm cho biết, vào những năm đầu thập niên 60, mỗi khi có đoàn văn công của quân khu đến biểu diễn tại làng, rất đông người dân đến xem và cổ vũ. Ai cũng thích thú với các tiết mục hát chèo, hát quan họ nên tập hát. Thỉnh thoảng, các cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc cũng thường đến làng để dạy đồng bào hát chèo. Sau này, khi đất nước được giải phóng, đồng bào tự truyền dạy lại cho nhau. Còn ông Palăng Bưng kể, mỗi lần có dịp lên công tác ở các xã biên giới Tây Giang, đi đến đâu cũng đều nghe đồng bào hát chèo, hát quan họ. Trong buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư nhân kỷ niệm 84 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam mới đây, đồng bào say sưa hát với nhau những điệu chèo, quan họ trong niềm vui khó tả. “Những cuộc vui cứ thế kéo dài trong từng lời bài hát chèo mượt mà, ngọt ngào như chính tấm lòng của họ” - ông Bưng nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng - Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, có rất nhiều vùng đồng bào Cơ Tu biết hát chèo, hát dân ca từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau giải phóng, loại hình hát dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn được duy trì và phát triển trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. “Đời sống âm nhạc của đồng bào vùng cao Quảng Nam vốn dĩ không có loại hình hát chèo, hát quan họ - ngoại trừ dân ca Cơ Tu bản địa. Do vậy, có thể khẳng định, hát chèo ở đồng bào Cơ Tu là sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa của địa phương miền Bắc trong giai đoạn kháng chiến trở về sau này” - ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, vào những năm đầu thập niên 80, khi đến công tác tại vùng đất Chà Vàl (huyện Nam Giang), nhiều đoàn cán bộ miền xuôi đã rất ngạc nhiên khi nghe đồng bào bản địa hát chèo rất hay và chuẩn.

Từng được mệnh danh là “nhạc sĩ của đồng bào Cơ Tu” với nhiều nghiên cứu về đời sống âm nhạc của đồng bào, nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng nhận xét, có rất nhiều bài dân ca Cơ Tu bị ảnh hưởng bởi làn điệu dân ca miền Bắc, cả về ca từ và giai điệu. Sự nhẹ nhàng, êm ái trong từng giai điệu đã tạo được nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe…

Tác giả: A Lăng Ngước

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết