Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Người lính ở ngôi làng vùng biên

TT - Đã năm năm rồi, Trung úy Coor Trung vẫn đều đặn đến với ngôi làng nằm ở ngã ba biên giới Lào - Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).

Chiều biên giới, những cơn mưa dài lê thê lạnh lẽo. Trung úy Coor Trung (37 tuổi), cán bộ vận động quần chúng của đồn biên phòng Đắc Pring (huyện Nam Giang, Quảng Nam), cùng các đồng đội rồ ga nhắm thẳng hướng ngôi làng bị bỏ rơi mang tên Pê Ta Pót. 

Ngôi làng chỉ có chín nóc nhà với 39 nhân khẩu lạc lõng giữa rừng sâu. 

 
Trung úy Coor Trung xóa mù chữ cho cả làng Pê Ta Pót - Ảnh: Trần quốc

Ngôi làng đói bụng, khát chữ

Học cái chữ của cán bộ Trung không dễ như hái rau rừng. Học mãi mới nhớ mặt chữ. Nhưng mà vui lắm, bây giờ mới biết cái tên Y Ngợi của mình khó đánh vần lắm
Bà Y NGỢI

Thấy Trung mở đoạn cây rừng bắc ngang qua đường làng Pê Ta Pót, mấy đứa trẻ mặt mũi lấm lem vội kêu lanh lảnh: “A, thầy giáo Trung đến rồi”. Từ mấy sàn nhà, những cụ già đến người trung niên, thanh niên cũng lục tục vào lớp học. Muông Văn Phúc, 29 tuổi, thay mặt cả lớp đọc nguyên bài thơ Việt Nam đất nước ta ơi tặng “thầy” Trung khiến anh mừng chảy nước mắt. Giờ đây, 21 “học sinh” của làng đã biết thế nào là chữ, biết đọc, biết viết.

Nhớ lại năm 2009, cuốc bộ gần 20km đường rừng, gùi theo 10 lon gạo, Trung đi nửa ngày đường từ đồn biên phòng Đắc Pring đến cắm ở Pê Ta Pót. Nhìn thấy Trung, cả làng dè chừng với “người lạ”.

Đứng trước ngôi làng lạc lõng giữa ngã ba vùng biên, Trung không tin vào đôi mắt mình. Chín nóc nhà với hơn 20 nhân khẩu nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. “Người dân còn sống bằng hái tỉa, săn bắt nên thiếu đói quanh năm. Cả làng không có một cái tivi, một cái đài. Và cũng chẳng ai biết chữ” - Trung tâm sự.

Đứng trước khung cảnh ấy, dù Trung là người Cơ Tu nhưng anh vẫn còn choáng. Trung suy nghĩ: “Đến tối thiểu là cái chữ mà dân làng cũng chưa có thì nói gì đến làm ăn, nói gì đến việc đi ra khỏi làng”.

Trung đến đặt vấn đề với anh Uông Chiêng cho mượn gian nhà làm chỗ dạy. Uông Chiêng lúc ấy cũng chẳng biết mặt mũi chữ nghĩa ra sao nhưng vẫn gật đầu. Trung cùng với chi đoàn đồn biên phòng quyên góp mỗi người một ngày lương. Có “kinh phí”, Trung cùng hai chiến sĩ chạy xe máy 60km xuống trung tâm huyện mua bàn ghế, bảng phấn và hơn 20 cuốn vở, bút viết phục vụ việc học của dân làng Pê Ta Pót.

Một ngày đầu tháng 8-2009, lớp học dành cho làng Pê Ta Pót khai giảng. Không có trống, Trung ra trước hiên nhà sàn của anh Y Kiêng kêu ới ới mấy tiếng thì lớp đã hòm hòm.

“18 người đến học, còn ba cụ già không vô lớp mà ngồi ngoài hiên ngó. Học sinh nhỏ nhất là 5 tuổi, lớn nhất gần 70 tuổi. Ngồi đủ bốn bàn học, vậy là vui rồi” - Trung vui vẻ. Ngày đầu tiên dạy học, Trung viết bảng chữ cái rồi đọc cho mọi người đọc theo nhưng dường như chỉ như nước đổ lá môn.

Cuối buổi học, ông Kring Vây (50 tuổi) bước tới gần thầy giáo Trung nói: “Học cái chữ mà khó hơn đi lên rừng, làm rẫy thầy Trung ạ. Không biết theo có nổi hay không. Tôi xin đi rẫy đây”.

Không nản, Trung lại lặn lội đi tìm cách giảng dạy mới. Anh chạy xe xuống huyện tìm mua sách dạy xóa mù chữ về nghiền ngẫm. Anh quyết định phải phổ cập bảng chữ cái cho dân làng như kiểu mưa dầm thấm lâu. Mỗi ngày học thuộc từng chữ, hết chữ này tới chữ khác, xong rồi mới chuyển sang dạy viết.

Để hợp với đời sống của dân làng, lớp học của Trung cũng thay đổi theo thời tiết, mùa vụ. Ngày mưa, dân làng không thể lên rẫy, Trung lại kêu mọi người đến dạy chữ. Những ngày mùa bận rộn, anh chỉ tranh thủ dạy buổi tối.

Kiên nhẫn với lớp học như vậy, thành quả là dân làng đều đã biết chữ, biết viết. “Học sinh” Y Ngợi (70 tuổi) tâm sự: “Học cái chữ của cán bộ Trung không dễ như hái rau rừng. Học mãi mới nhớ mặt chữ. Nhưng mà vui lắm, bây giờ mới biết cái tên Y Ngợi của mình khó đánh vần lắm”.
Coor Trung tự hào vì không chỉ đa số dân Pê Ta Pót đều biết chữ mà anh còn “đào tạo” được một em theo học lớp 4 của Trường THCS Đắc Pring, hai em khác học lớp 3 và 2. Đó được xem là những người có trình độ nhất nhì của Pê Ta Pót.

Danh phận một ngôi làng

Ngồi trước hiên nhà sàn, nhìn Pê Ta Pót, Coor Trung tâm sự: “Giờ cả làng đã biết trồng lúa nước, được những 3ha nên đỡ khổ hơn trước. Nhưng là đỡ thôi chứ vẫn còn thiếu thốn đủ bề, không điện đường trường trạm”.

Ngày mới lên Pê Ta Pót, Coor Trung thấy dân chỉ biết tỉa bắp, tỉa lúa rẫy, săn bắn qua ngày. Sáng dậy anh theo bà con lên nương làm rẫy. Suy nghĩ hồi lâu, anh đặt vấn đề với anh Y Kiêng: “Phải làm lúa nước thì bà con mới đủ gạo mà ăn”.

Sáng hôm sau, Trung thức giấc khi con gà trống còn chưa chào ngày mới. Anh kêu mọi người dậy, người cầm rựa, người cầm cuốc, cào... phát ngay những đám cỏ um tùm phía trước làng. Trung lại cùng mấy thanh niên trong làng phát thân cây nứa để dẫn nước từ suối về. Anh lấy những hạt lúa giống gieo mạ trên thửa ruộng vừa phát hoang.

“Đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang cũng dạy cho mình cách trồng lúa nước như vậy. Nhờ thế mà bà con có đủ cái ăn. Và giờ mình cũng truyền lại cho dân làng Pê Ta Pót” - Trung tâm sự.

Nhưng dường như chừng đó vẫn là chưa đủ với Pê Ta Pót. Giờ đây Pê Ta Pót vẫn chưa được công nhận là đơn vị hành chính thôn. Pê Ta Pót vẫn lọt sổ và như ở ngoài rìa cuộc sống, không chính quyền, không đoàn thể.

     Trung cho biết đây là điểm xung yếu, phên giậu của Tổ quốc không thể bị bỏ trống nên đồn biên phòng Đắc Pring đã chủ động cử cán bộ xuống cắm bản, sống với dân.
     Cuối tháng 5-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập đơn vị hành chính thôn và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho người dân Pê Ta Pót. Tuy nhiên đến nay ngôi làng này vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất.

Tác giả: ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN QUỐC

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết