Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

SEQAP và giáo dục tiểu học những vùng khó khăn

(QNO) - Mục đích cải thiện chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo cơ hội học tập bình đẳng giáo dục bậc tiểu học thuộc các nhóm có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã triển khai Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (School Education Quality Assurance Program (SEQAP) tại 36 tỉnh, 1.600 trường tiểu học trên cả nước với kinh phí khoảng 186 triệu USD. Tỉnh Quảng Nam cũng dự phần từ chương trình này.

Giờ học của một trường tiểu học ở Thạnh Mỹ (Nam Giang).
Giờ học của một trường tiểu học ở Thạnh Mỹ (Nam Giang).

SEQAP là chương trình hỗ trợ các trường tiểu học ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về cơ sở vật chất, tài liệu dạy học; bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ và giáo viên; hỗ trợ bữa ăn trưa cho những học sinh nghèo, nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng ủng hộ  phương thức dạy học cả ngày (Full day schooling) ở bậc tiểu học.

Đối với tỉnh Quảng Nam, Sở GD-ĐTchỉ đạo tổ chức thực hiện SEQAP tại 48 trường tiểu học thuộc 8 huyện miền núi (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn và Hiệp Đức), mỗi huyện 6 trường. Qua bốn năm triển khai, từ năm 2010 đến nay, các mục tiêu chương trình đề ra cơ bản đạt được những kết quả bước đầu.

Học sinh Trường Tiểu học Prao (Đông Giang) đọc sách sau giờ anh trưa.
Học sinh Trường Tiểu học Prao (Đông Giang) đọc sách sau giờ anh trưa.

Toàn tỉnh xây dựng bổ sung và trang bị nội thất 59 phòng học, 47 nhà vệ sinh, 7 nhà đa năng; hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên gần 1.100 người được bồi dưỡng nâng cao năng lực về nghiệp vụ quản lý nhà trường dạy học cả ngày (DHCN), phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, dạy học phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS, đặc biệt là kỹ năng tổ chức phối hợp các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp tạo ra môi trường và cơ hội cùng học tập, cùng vui chơi cho các em.

 Lớp học đầu cấp ở các điểm trường có đa số học sinh DTTS không giao tiếp được  tiếng Việt, SEQAP bổ sung nhân viên hỗ trợ tiếng dân tộc cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Nhân viên hỗ trợ tiếng dân tộc làm cầu nối cùng với giáo viên giúp học sinh vượt qua những rào cản ngôn ngữ, tập quán, đồng thời giúp các em tự tin, hòa nhập trong giao tiếp và học tập tốt các môn học. Có thể nói đây là giải pháp quan trọng và cần thiết đảm bảo chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS.

Trọng tâm của SEQAP là chuyển trường tiểu học sang DHCN, tăng thời lượng học tập giáo dục bậc tiểu học theo yêu cầu. Theo lộ trình kế hoạch, đến năm học 2013-2014 sẽ chuyển tất cả 48 trường tham gia SEQAP sang DHCN  tại 188 điểm trường trên tổng số 202 điểm trường (của 48 trường) với 12.251 học sinh (93%), trong đó học sinh DTTS: 7.410 em (60,5%). SEQAP hỗ trợ số học sinh nghèo, nhà xa được ăn trưa - bán trú tại trường để học buổi chiều tại 130 điểm trường với 5.895 em (đạt 45% trên tổng số học sinh), trong đó có 4.326 học sinh DTTS (chiếm 75%). Ngoài ra những điểm trường xa, nhà trường chuyển cơm đến tận nơi hoặc mời phụ huynh ra điểm trường chính mang cơm về cho các em. Các thầy cô giáo sau buổi dạy cùng ở lại lớp giúp các em ăn ngủ, sinh hoạt, vui chơi, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Trong hoạt động DHCN các nhà trường sử dụng hợp lý quỹ thời gian tăng thêm giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng học tập các môn học. Thời khóa biểu các tiết học được sắp xếp linh hoạt trong một chỉnh thể của kế hoạch DHCN theo nghiên cứu và hướng dẫn của Ban quản lý SEQAP – Bộ GD&ĐT phù hợp với tâm - sinh lý học sinh tiểu học, đảm bảo tính sư phạm và đạt hiệu quả giáo dục.

Kết quả qua bốn năm thực hiện cho thấy DHCN là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao  chất lượng giáo dục tiểu học đối với học sinh nghèo địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn.

Các hỗ trợ của SEQAP đã có tác dụng giúp địa phương, nhà trường và cha mẹ học sinh (CMHS) giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong việc huy động hết số trẻ em trong độ tuổi ra học, giảm thiểu số học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn và cải thiện chất lượng giáo dục. Do vậy, các cấp chính quyền, nhà trường, CMHS rất nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia. Mặt khác, SEQAP rất chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng,

Thực tiễn qua 4 năm hoạt động thực hiện SEQAP, các ban đại diện CMHS, chính quyền thôn - nhóm cốt cán cộng đồng là những thành viên có trách nhiệm cùng nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi nhà trường DHCN. Chính quyền thôn, ban đại diện CMHS tham gia xét chọn, xác nhận danh sách học sinh nghèo được hỗ trợ ăn trưa - bán trú; giám sát quá trình tổ chức ăn trưa cho học sinh... Ở hầu hết các trường, CMHS phối hợp với giáo viên chăm sóc, giáo dục học sinh; góp công của tu sửa phòng học, xây nhà bếp, nhà ăn, đóng bàn ghế, đóng giường, sạp, góp chiếu chăn cho học sinh ăn - nghỉ trưa. UBND huyện Tây Giang, huyện Phước Sơn, huyện Nam Trà My hỗ trợ gạo ăn trưa cho số học sinh học cả ngày. Một số trường ở huyện Nông Sơn, Nam Giang, CMHS góp thêm gạo, rau, củi,... nhằm nâng chất lượng bữa ăn cho các em; Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ thêm cho học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, Tô Vĩnh Diện huyện Phước Sơn một bữa ăn trưa/ tuần bằng mức hỗ trợ của SEQAP. Nói chung sự tham gia của cộng đồng, CMHS hỗ trợ chuyển đổi nhà trường sang DHCN rất đa dạng và hiệu quả.    

Tổng kết năm học 2013-2014 các trường thực hiện SEQAP, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã xác định: “Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều ra học; không có học sinh bỏ học; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được cải thiện, học sinh giỏi tăng 3,1%; (từ 23% --> 26,1%); học sinh yếu giảm 0,3% từ 2,4% --> 2,1%”.

 Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tổ chức DHCN, tổ chức ăn trưa cho tất cả học sinh các điểm trường lẻ. Hiện còn 72 điểm trường lẻ trong các trường tham gia SEQAP không tổ chức ăn trưa được, vì điều kiện quá khó khăn. Các trường học phải bố trí nhiều điểm trường lẻ (9 - 10  điểm) theo địa bàn dân cư phân tán ở nhiều thôn, nóc cách xa nhau, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh ra học, do địa hình núi non phức tạp, đi lại khó khăn không thể tập trung được. Các điểm trường phần lớn chỉ có một hoặc hai lớp ghép (ghép hai hoặc ghép ba trình độ); số học sinh ít, khoảng 6 - 10 hoặc 15 em, cá biệt có điểm trường chỉ có 8 học sinh (như điểm trường thôn Blốc, xã Bha Lêê có 1 lớp ghép: 8 học sinh; điểm trường thôn Suối Vã, xã Trà Leng: 6 học sinh; điểm trường thôn K.Tơ Rơn, xã La Dêê, Nam Giang: 1 lớp ghép, 9 học sinh,...).

Thầy Trương Ơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bha Lêê ước tính mỗi suất đầu tư cho lớp học ở điểm trường lẻ vùng sâu phải  12 - 15 triệu đồng/học sinh/năm, chưa tính các khoản hỗ trợ khác như sách vở, quần áo, hoặc gạo ăn cho các em. Nhà trường không để một trẻ  em nào vì khó khăn mà không được học. Đi hết các xã, các trường tiểu học ở miền núi cao của Quảng Nam, xem từng lĩnh vực mới thấy hết được sự nỗ lực của ngành giáo dục, của Nhà nước trong việc chăm lo đối với sự phát triển của đồng bào các dân tộc miền núi vốn chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Một khó khăn làm hạn chế kết quả hoạt động DHCN là SEQAP chưa tính  đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường học, những người trực tiếp làm việc và quyết định sự đảm bảo chất lượng giáo dục trường học. Trong hoạt động thực hiện DHCN, cán bộ quản lý, giáo viên làm việc nhiều, giáo viên ngoài công việc dạy học còn được động viên ở lại trường buổi trưa giúp tổ chức các em ăn ngủ, sinh hoạt, vui chơi..., như hoạt động của trường bán trú (tăng nhiều giờ lao động quy định) nhưng SEQAP không có quy định về khoản phí này. Hơn nữa số tiền thuê cấp dưỡng quá ít nên các trường có nhiều điểm trường lẻ rất khó khăn trong việc tổ chức ăn trưa cho học sinh.

Ngoài khó khăn, thách thức nêu trên, những thành tựu SEQAP đem lại rất đáng kể. Những nguồn lực SEQAP đầu tư về cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị dạy học, hỗ trợ ăn trưa - bán trú cho học sinh nghèo và những giải pháp SEQAP tác động về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ - giáo viên, nhân viên hỗ trợ tiếng dân tộc; về nội dung, kế hoạch hoạt động DHCN; thay đổi nhận thức và hành động tích cực của cộng đồng đối với nhà trường... đã tạo nên sự chuyển biến về chất trong các hoạt động giáo dục của các nhà trường địa bàn miền núi.

Chúng ta tin tưởng rằng những nguồn lực và kinh nghiệm đúc kết từ quá trình thực hiện SEQAP sẽ là bài học quý, là nguồn lực tiếp tục đầu tư. Những khó khăn, thách thức sẽ được khắc phục, điều chỉnh, bổ sung và chất lượng giáo dục tiểu học ở miền núi khó khăn, vùng đồng bào DTTS sẽ tiếp tục  phát triển ổn định và bền vững chất lượng giáo dục tiểu học trong năm học 2014-2015.

Tác giả: Trần Xuân Quang

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết