Các đội tự vệ đã trở thành tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, được xây dựng ở các căn cứ, địa phương có điều kiện; phối hợp với các đơn vị cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa Việt Bắc, Đông Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ba Tơ v.v... đến tháng 8/1945 lực lượng DQTV đã phát triển lên tới vài chục nghìn người cùng với giải phóng quân và toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 02/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, DQTV Việt Nam trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng này đã thực sự là một công cụ chuyên chính chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ và thành quả cách mạng.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng DQTV đang ngày đêm sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ Xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt nâng cao chất lượng huấn luyện cho Dân quân tự vệ theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”; hằng năm, các cấp tổ chức tập huấn theo đúng quy định; tập trung huấn luyện cho 100% Dân quân tự vệ các nội dung cơ bản kết hợp giáo dục chính trị, pháp luật và huấn luyện thực hành xử trí tình huống thực tiễn diễn ra ở cơ sở, đồng thời coi trọng huấn luyện kỹ năng làm công tác vận động quần chúng, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh và nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng. Thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao nhằm đánh giá trình độ, kỹ năng, khả năng phối hợp, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV.
Dân quân tự vệ ở các vùng biên giới đã tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đối ngoại nhân dân, tham gia chương trình kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, giao lưu văn hóa giữa nhân dân 2 nước, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền đường biên giới.
Hằng năm đã huy động hơn một triệu lượt Dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, không để các phần tử cơ hội chính trị kích động gây rối, biểu tình làm mất ổn định về ANCT, TTATXH, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, các xã trọng điểm về quốc phòng.
Trong phòng chống đại dịch Covid-19, cùng với cả nước, dân quân tự vệ là lực lượng xung kích, đi đầu, luôn có mặt ở tất cả các địa phương, ở tất cả các khâu, căng mình chống dịch và bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, dân quân tự vệ đã phát huy tốt vai trò xung kích, cùng với các lực lượng trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở địa phương, cơ sở.
Trải qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân quân tự vệ Việt Nam luôn đoàn kết thống nhất, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo lập nhiều chiến công to lớn. DQTV sống, chiến đấu trong lòng dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam, vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, cùng với các lực lượng khác và Nhân dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Qua các thời kỳ cách mạng, đã có trên 370 tập thể và 284 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Dân quân tự vệ Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Tại huyện Nam Giang, thực hiện sắc lệnh số 103/SL ngày 07/4/1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập bộ đội địa phương; Ngày 09/4/1949 Ban Chỉ huy tỉnh đội quyết định thành lập huyện đội dân quân huyện Bến Giằng - Lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang huyện Nam Giang. Trong suốt cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với nhân dân huyện nhà và các huyện miền núi đã đánh hơn 341 trận lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.329 tên địch; bắn rơi 37 máy bay; thu 121 súng các loại. Các trận đánh mở đầu trong kháng chiến chống Mỹ đã giành được những thắng lợi như trận Gợp ngày 5/9/1959; trận Ga Lâu; trận đánh đồn A ró… tiêu biểu như trận đánh đồn Bót Xít khoảng 1 Đại đội lính bảo an chốt giữ, do đồng chí A Lăng Bin chỉ huy với quân số 70 đồng chí, chủ yếu súng trường và thủ pháo, lựu đạn, chỉ sau 30 phút chiến đấu ta làm chủ đồn, tiêu diệt gần 60 tên, bắt sống 20 tên…
Đặc biệt, cách đây 60 năm, hưởng ứng chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi do tỉnh Quảng Đà phát động, quân và dân Nam Giang đã đánh tan cứ điểm Coong Zêl của địch. Rạng sáng ngày 24/4/1965, Mỹ - ngụy vội vã cho hàng chục trực thăng đổ xuống Coong Zêl bốc quân rút chạy về xuôi, đánh dấu ngày Nam Giang được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng ngày 24/4/1965 như một mốc son lịch sử, đánh dấu tinh thần cách mạng, kiên trung, bất khuất của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Nam Giang trở thành hậu phương vững chắc tạo thế và lực cho quân dân ta tiếp tục tiến công Mỹ - ngụy trên toàn tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào huyện Nam Giang có 149 người ngã xuống, gần 160 thương, bệnh binh và trên 80 nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Toàn huyện có hơn 3.600 huân - huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng; 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều địa phương, cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 28/4/2000, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Nam Giang; năm 2002, huyện Nam Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Phát huy truyền thống anh hùng, 60 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng vùng, từng địa phương trong huyện. Thông qua xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đã gắn kết với việc quy hoạch, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn huyện; hầu hết các dự án phát triển kinh tế đều được ngành quân sự, công an huyện tham gia thẩm định trước khi trình phê duyệt.
Sản xuất nông lâm thủy sản tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm; riêng năm 2024 và quý 1/2025, với sự đoàn kết, quyết tâm cao và sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, Nhân dân, toàn huyện đã tổ chức thực hiện đạt 20/20 chỉ tiêu đạt kế hoạch đã đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các lĩnh vực; các đợt sinh hoạt chính trị được triển khai rộng khắp; công tác giáo dục truyền thống cách mạnh được tăng cường gắn với việc tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, chính trị chào mừng kỷ niệm 75 thành lập đảng bộ huyện; phát triển đảng viên mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; đội ngũ cán bộ được củng cố kịp thời gắn với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng các cấp; cải cách hành chính chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực; các phong trào thi đua được triển khai tích cực, hiệu quả hơn trước.
Các ngành nghề kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định; các mô hình sản xuất nông -lâm nghiệp bền vững được tăng cường đầu tư; các chương trình mục tiêu được tập trung thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; 02 xã Tà Bhing, La Dê được công nhận xã nông thôn mới.
Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, ngày càng hoàn thiện, đến nay, 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên; có 12/12 xã, thị trấn, 50/50 thôn có điện và 100% số hộ dùng điện; mạng lưới dịch vụ bưu chính, chuyển phát ngày càng hoàn thiện, luôn sẵn sàng ưu tiên phục vụ những tình huống khẩn cấp, bảo đảm phục vụ nhu cầu của nhân dân và thuận lợi cho việc cơ động lực lượng, huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy “4 tại chỗ”, sẵn sàng động viên phục vụ cho hoạt động tác chiến phòng thủ.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được đẩy mạnh thực hiện. Đã tăng cường hướng dẫn, đối thoại với nhân dân về công tác giảm nghèo, lao động việc làm, xây dựng nhà ở, mô hình giảm nghèo tại các địa phương; đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, nguồn vốn các chương trình mục tiêu, hoạt động kết nghĩa…hỗ trợ người dân xây dựng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo.
Các lĩnh vực xã hội được quan tâm thực hiện tốt; chất lượng giáo dục ngày càng tăng, số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện 18/24 trường. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; quan tâm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, tỷ lệ dân số toàn huyện tham gia bảo hiểm y tế là 100%. Các chính sách cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội được chi trả đúng đối tượng, kịp thời...góp phần quan trọng củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đúng quy định; khu vực phòng thủ huyện được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước đi vào chiều sâu, vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị định số 21/2019/NĐ ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.
Lực lượng DQTV các địa phương, ngoài trực sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện còn tổ chức nhiều hoạt động giúp dân làm nhà ở, gặt lúa, góp phần thắt chặt tình quân dân.
Công tác tuyên truyền thực hiện Luật dân quân tự vệ được chú trọng, tiến hành xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “Vững mạnh, rộng khắp”, đúng quy trình, chất lượng được nâng lên; tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự chặt chẽ, 100% chi bộ quân sự có cấp ủy; duy trì hoạt động 06 tiểu đội dân quân thường trực, tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã đúng quy định; tích cực tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên phối hợp với các đồn biên phòng, công an, kiểm lâm tuần tra kiểm soát địa bàn, xử lý kịp thời các tình huống, không để xảy ra “điểm nóng”. Hoạt động đối ngoại với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Koong/ Lào được duy trì thường niên với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Tự hào truyền thống 90 năm Dân quân tự vệ và kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng huyện Nam Giang, với ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, quân và dân huyện nhà sẽ đoàn kết một lòng, chung tay thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, cùng hòa mình với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.