Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 207- Dấu ấn trong lòng dân

Qua 15 năm thành lập, Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 207 (Quân khu 5) đứng chân trên địa bàn xã La Ê, huyện Nam Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhân dân ổn định cuộc sống để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân bản.


Ảnh: Lãnh đạo Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 207 thường xuyên thăm, hỏi động viên người uy tín nơi đóng chân
Vượt khó bám bản làng

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Đại tá Trần Văn An, nguyên Đoàn trưởng cho biết:  Do địa bàn rộng, đóng quân phân tán, giao thông khó khăn; điện lưới, nước sạch, thông tin liên lạc chưa có; nguồn vốn hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ của dự án; phương tiện, thiết bị thiếu đồng bộ… Đoàn đã tích cực, chủ động tập trung ưu tiên xây dựng các hạng mục công trình quan trọng, có tính cấp thiết như công trình giao thông, thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học và các công trình thiết yếu khác.

“Xác định những khó khăn khi đến với các xã vùng cao, biên giới do Đoàn phụ trách, nhưng nhờ sự đoàn kết, thống nhất của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, Đoàn đã bắt tay vào triển khai các hoạt động, trước tiên là vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các phương thức canh tác lạc hậu sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Để người dân làm theo, không chỉ lời nói mà đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống các thôn, bản thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào địa phương để làm mô hình điểm cho bà con thấy hiệu quả, từ bà con mới học và làm theo”, đại tá An cho biết thêm.

Ông Blinh Hiền, người có uy tín thôn Pa Lan, xã La Ê tâm sự, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 207 đã gắn bó với bà con nơi đây bằng những tình cảm trân quí và bà con nơi đây rất tin tưởng và phấn khởi với những đóng góp của Đoàn cho sự phát triển hôm nay của thôn và xã La Ê và chúng tôi luôn coi những người lính nơi đây như những người con thân yêu trong gia đình, ông Hiền nói.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Theo Thượng tá Phạm Thanh Hiếu, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 207, với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã triển khai các tổ, đội sản xuất và phân công trí thức trẻ tình nguyện thực hiện  4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào địa phương"; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất theo phương pháp mới; khơi dậy tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm từng bước thoát nghèo bền vững.

“Đến nay, chúng tôi đã triển khai hàng chục mô hình khuyến nông, khuyến lâm hiệu quả; đưa giống mới có năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi; tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ; từng bước hình thành, phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi bò nhóm hộ, hỗ trợ hơn 200 con bò sinh sản cho 10 nhóm hộ với 100 hộ dân. Mỗi nhóm chọn một người có uy tín làm nhóm trưởng chịu trách nhiệm phân công chăm sóc, chấm công từng hộ tham gia lao động để phân chia lợi nhuận...

Riêng giai đoạn từ năm 2023 đến nay, chúng tôi đã cấp 826 con bò giống/826 hộ, 910 con heo giống/127 hộ, 200 con dúi giống/10 hộ, hỗ trợ trồng 13,5 ha sâm ba kích tím/75 hộ, 01ha đẳng sâm/10 hộ, 1,5ha sâm thất diệp nhất chi hoa/30 hộ, 06ha lúa nếp cẩm/100 hộ, 9.000 cây cam vinh 2 năm tuổi/180 hộ, 2.600 cây bưởi da xanh/13 hộ...”, thượng tá Hiếu cho biết thêm.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, những năm qua; Đoàn KTQP 207 đã đề xuất phương án triển khai “ngân hàng bò”. Nghĩa là, bò giống được đơn vị chăn nuôi qua nhiều thế hệ, khi chúng thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt vùng cao biên giới này, sau đó hỗ trợ cho bà con.


       Ảnh: Hỗ trợ xây dựng điểm trường mẫu giáo thôn Pa Lan, xã La Ê
        Nhận được bò giống nuôi, Ông Pơ Loong Bóh - thôn Pa lan xã La ê, huyện Nam Giang phấn khởi nói, nhờ sự hướng dẫn và tập huấn của cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207, nên gia đình nuôi bò hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo, ông Bóh phấn khởi nói.

Đại tá Đặng Quang Trung, Đoàn Trưởng Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 207 thông tin, 15 năm qua, Đoàn đã hoàn thành xây dựng 46 hạng mục cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, với kinh phí hơn 102 tỷ đồng (gồm: 2 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường mẫu giáo, 01 nhà bán trú, 03 trạm y tế, 01 nhà văn hóa xã, 13,2 km đường giao thông kiên cố miền núi, 01 đập thủy lợi, 02 hệ thống cấp nước sạch, cải tạo 7,8 ha ruộng lúa nước, 25 ha ruộng màu và các cơ sở hạ tầng khác…

“Đoàn cũng mở các điểm thu mua ngay trên địa bàn để thực hiện dịch vụ cung - tiêu hai đầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân... cửa hàng cung- tiêu đã thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh chức năng như một siêu thị mi ni thu nhỏ cung ứng trên 500 hàng hóa các loại cung cấp nhu cầu thiết yếu cho nhân dân với giá cả hợp lý, thường giảm từ 20 đến 30% so với các cửa hàng bên ngoài, tại đây còn tổ chức các điểm thu, mua hàng nông sản của bà con làm ra, qua đó đã kích thích người ra làm ra các sản phẩm trao đổi hàng hóa với thị trường”, đại tá Trung thông tin thêm.


     Ảnh: Điểm bán nông sản tại thành phố Đà Nẵng góp phần tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân vùng cao 
      Tham gia nhiều hoạt động xã hội

Không chỉ tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội, những năm gần đây; Đoàn còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Từ năm 2016 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng được 7 nhà tình nghĩa, 3 nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.

      Cùng với đó, Đoàn KT - QP 207 còn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đơn vị triển khai dự án. Đoàn thường xuyên phối hợp với các Trạm Y tế tổ chức khám và điều trị miễn phí cho hơn 70.000 lượt người dân ở các xã vùng biên giới, với số tiền hơn 4 tỷ đồng, tổ chức 32 đợt lưu động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người dân, cấp cứu và chuyển tuyến hàng trăm ca bệnh nặng, bảo đảm an toàn...

      
       Ảnh: Mô hình nuôi Dúi do đơn vị hỗ trợ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế
   Ngoài ra, còn tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động đối ngoại quân sự; tổ chức và tham gia 7 đợt khám bệnh, cấp thuốc cho 4.284 lượt người và tặng trên 800 xuất quà với số tiền trên 600 triệu đồng cho nhân dân các bản giáp biên giới của huyện Kà Lừm và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông/Lào nhân dịp Tết Bunpimay hằng năm, góp phần xây dựng và giữ vững một vùng biên cương bình yên và hữu nghị.

Với những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 đã tạo được niềm tin vững chắc trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đứng chân, hình ảnh người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 đã in đậm trong lòng dân bản, xứng đáng với sự tin yêu, mong đợi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân vùng dự án; xứng đáng với hai mươi chữ vàng mà Đảng ủy – Bộ tư lệnh Quân khu khen tặng: “Đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng thế trận, giữ trọn tình dân, biên cương bền vững”.

Tác giả: Văn Thủy

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết