Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. bảo vệ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Chiến lược “diễn biến hoàn bình”, là chiến lược có phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động được hình thành từ thập kỷ 40 và hoàn chỉnh vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Mục đích nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, thiết lập trật tự thế giới mới do chủ nghĩa đế quốc thống trị. Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc. Nhất là từ sau khi giành độc lập và thống nhất đất nước, trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã và đang là mục tiêu thực hiện “diến biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là chúng sử dụng “diễn biến hoàn bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội, làm cho Việt Nam chuyển hóa theo hướng tư bản chủ nghĩa và hoàn toàn lệ thuộc vào chúng. Các thế lực thù địch ra sức chống phá toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực về chính trị, tư tưởng được xác định là khâu trọng tâm, đột phá. Chúng cố tình xuyên tạc đi đến hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị và thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo... từ đó gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng tạo ra sự khủng hoảng về chính trị, làm chệch hướng và sụp đổ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” là không hề thay đổi, song phương thức, thủ đoạn và âm mưu “diễn biến hòa bình” thì biến hóa khôn lường và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đấu tranh chống lại sự xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch không chỉ là vấn đề có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam mà còn là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và cơ bản lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do vậy, vạch trần bản chất và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá nền tảng tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Nhằm góp phần quan trọng để ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của “diễn biến hoà bình” là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong tình hình hiện nay.

Trước hết nói đến những nguyên nhân cơ bản của các thế lực thù địch chống phá Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam rồi đi đến bôi nhọ luôn cá nhân Hồ Chí Minh. Điều này có lôgíc của nó, bởi vì sự nghiệp của Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một.

Sự thù hận từ cái tâm. Cái tâm không trong sáng, đầy thù hận với sự nghiệp cách mạng gắn với tên tuổi của con người Hồ Chí Minh, thì điểm nhìn và cách nhìn của những người có cái tâm không trong sáng đó chắc chắn bị lệch lạc. Ở đây, không phải là sự ngộ nhận mà là ý đồ cố tình xuyên tạc. Hoặc đối với một số người vốn có cái tâm trong sáng, khi nghiên cứu, nhìn nhận về Hồ Chí Minh nhưng với phương pháp không đúng thì cũng có thể đánh giá về Hồ Chí Minh bị sai lệch.

Vấn đề xuyên tạc, không phải là từ nhận thức, hay nói đúng hơn là vì ở tầm nhận thức thấp kém, hoặc thiếu thông tin chính xác, mà là ở ý đồ xấu khi người ta đánh giá về Hồ Chí Minh.

Các nguồn tài liệu liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Hồ Chí Minh cho đến nay rất nhiều. Nhưng, cái quan trọng nhất là cái nhìn, cái tâm của mỗi người về Hồ Chí Minh khác nhau. Do vậy dẫn đến sự đánh giá về Hồ Chí Minh khác nhau.

Họ xuyên tạc đủ điều, “bôi đen” Hồ Chí Minh từ đời riêng đến cả các mối quan hệ công tác và cố ý khái quát cả những hiện tượng nhất thời, không đúng với bản chất của sự việc. Có khi họ cố tình đem Hồ Chí Minh đối lập với dân tộc Việt Nam. Có khi lại cho rằng, Hồ Chí Minh là đồ đệ của Quốc tế Cộng sản, của V.I.Lênin… nhưng núp dưới bóng của chủ nghĩa dân tộc. Họ lý giải hiện tượng lòng dân và ý dân Việt Nam yêu kính Hồ Chí Minh là do sùng bái cá nhân…

Thời gian gần đây trên mạng Internet đã có những bài viết của một số người cái tâm không trong sáng, cái đức không dày cố tình xuyên tạc trắng trợn về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Mục đích để xoá bỏ “thần tượng Hồ Chí Minh”. Điều đó thật dễ hiểu, bởi vì trong tiến trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng, Hồ Chí Minh đã đóng vài trò cực kỳ quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Thực tế từ sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và thành quả những năm đổi mới nói riêng đã chứng tỏ rằng, không những chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn tư tưởng Hồ Chí Minh, đã trở thành yếu tố chỉ đạo làm nên thắng lợi cho Nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 7/1991), đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và t­ư tư­ởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư­ tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Đồng thời nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nư­ớc ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta và của cả dân tộc”(2).

Đại hội nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh còn cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh… tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với mỗi ng­ười dân Việt Nam là vô cùng gần gũi, gắn liền với tình cảm yêu thương vô hạn của nhân dân đối với Bác, bởi công lao to lớn và đạo đức cách mạng trong sáng của Người. Vì vậy, nói tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nư­ớc ta, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta”(3).

Đại hội VII xác định: “Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hư­ớng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công là trong quá trình đổi mới, Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội”(4). Việc khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cũng đã đ­ược ghi trong: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 thông qua và trong Điều 4 Hiến pháp n­ước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013).

Đến Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đầy đủ hơn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa - Lênin vào điều kiện cụ thể của n­ước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”(5).

Đồng thời Đại hội IX còn chỉ ra một số nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh: đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006), khi đề cập tư tưởng Hồ Chí Minh, đã nhận định: “Sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta 76 năm qua đã khẳng định rằng, tư tưởng vĩ đại của Người cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng đó đã dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sức mạnh tập hợp và đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau”(6).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011), đã chỉ rõ: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...”(7).

Đồng thời Đại hội XI, đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”(8).

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 01/2016), một lần nữa khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(9).

Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(10).

Đó chính là sự khẳng định thêm một lần nữa giá trị, vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Do vậy, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh là những cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt để bảo vệ sự phát triển của dân tộc, tức là bảo vệ và khẳng định, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định ngay từ ngày đầu thành lập (đầu năm 1930).

Đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh là một việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp, các nghành, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân. Đó chính là thể hiện niềm tin trường tồn vào lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Tiếp đẩy mạnh việc nghiên cứu một cách sâu sắc, đúng đắn và đầy đủ về Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như nhận thức là một quá trình lâu dài, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Do vậy, không phải ngay từ đầu mà những nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học đã đánh giá một cách đúng đắn, đầy đủ về Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã bị nhiều lần, nhiều người hiểu lầm. Song từ năm 1941 khi Hồ Chí Minh về nước, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc đánh giá về Hồ Chí Minh từ các nhà hoạt động chính trị đã khách quan và đúng đắn hơn. Tuy nhiên với hoàn cảnh Hồ Chí Minh còn sống, việc nghiên cứu về Người chưa kịp thời, thể hiện ngay cả ở những trang tiểu sử của Người với tư cách là lãnh tụ của một Đảng và là nguyên thủ quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, còn có những khoảng trống nhiều sự kiện cơ bản trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh.

Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, về những điều kiện, những nhân tố, âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

 Cần phát động, đẩy mạnh phong trào sưu tầm, hiến tặng các tư liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh cho các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt những tư liệu liên quan hoạt động của Người trong thời gian ở nước ngoài. Đó cơ sở quan trọng làm rõ những khoảng “khoảng trống” về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh,

Hồ Chí Minh, cũng như bao con người khác, có những điều mà những người xung quanh và hậu thế không hiểu hết được. Cần tuân thủ phương châm: biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, không suy diễn sai về Hồ Chí Minh.

Trong phương pháp nghiên cứu, nên chú ý để không mắc phải căn bệnh thần thánh hoá Hồ Chí Minh. Trách biểu hiện “thêu dệt”, hư cấu… làm cho sức thuyết phục người nghe yếu đi và để kẻ xấu lợi dụng.

 Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về Hồ Chí Minh, đưa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong trường học các hệ, các cấp, tùy theo đặc điểm, yêu cầu cho phù hợp, là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Chủ động đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục bảo đảm tính hiệu quả cao. Để khi ai đó có đọc, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy những thông tin, những bài xuyên tạc Hồ Chí Minh thì người ta có thể tự nhận thức một cách đúng đắn được ngay vì ở họ đã có sức đề kháng do được trang bị những tri thức chính xác, tình cảm trong sáng về Hồ Chí Minh.

Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại. Thông qua những hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học…với những người nước ngoài, nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu Hồ Chí Minh, để không ngừng bổ sung, làm sáng tỏ những vấn đề về Hồ Chí Minh. 

Hình thành một tổ chức quần chúng rộng rãi về học tập, nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền về Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt. Phát huy trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong đấu tranh trực diện với các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh, kịp thời có nội dung, biện pháp phù hợp để ngăn chặn và làm thất bại những luận điệu xấu, luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xung kích đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh.


(1,2,3,4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 127; 128; 53; 80.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 83.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 6 – 7.

(7,8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 69.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-sự thật, Hà Nội, 2021, tr 109.



Tác giả: Đại úy Võ Minh Toàn

Nguồn tin: BCH Quân sự huyện Nam Giang

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết