Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Cảnh giác với nạn mua bán người ở vùng cao

Đã có khá nhiều cảnh báo về nạn lừa buôn bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em ở miền núi, song vì nhiều nguyên nhân, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, kéo theo hệ lụy đau lòng.


Cơ quan chức năng làm việc với 3 em nhỏ là nạn nhân của một vụ mua bán người. Ảnh: T.C

     Chiêu bài cũ

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh tổ chức xác minh, giải cứu Arâl Thị B., một phụ nữ Cơ Tu ở xã Arooi (Đông Giang) sau nhiều năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Trở về quê sau biến cố, chính B. cũng không ngờ mình dễ dàng bị sa vào bẫy của những tên mua bán người. B. kể, tháng 4.2012, thông qua mạng xã hội, B. quen biết với một người đàn ông tên Tuấn không rõ địa chỉ, lai lịch. Quá trình trò chuyện, Tuấn biết được gia đình B. có hoàn cảnh khó khăn, bản thân muốn tìm việc làm kiếm tiền phụ giúp gia đình nên đã rủ rê, hứa hẹn đưa B. đi làm việc với thu nhập cao nên B. đã đồng ý. Tuy nhiên, đối tượng Tuấn không đưa B. đi làm việc mà đưa đến Lào Cai, sau đó di chuyển sang Trung Quốc và bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá khoảng 170 triệu đồng.

Trong thời gian từ 2012 đến 2018, B. bị ép làm vợ người Trung Quốc và có được 2 người con. Năm 2018, vì bị ngược đãi, B. đã bỏ trốn và gặp một người đàn ông Trung Quốc khác, sau đó bị ép làm vợ và tiếp tục bị bạo hành. Đến đầu năm 2019, nhờ sử dụng mạng xã hội, B. liên hệ được với người thân để nhờ giúp đỡ và đã được giải cứu. Chị T.B. kể: “Người đàn ông nói là người hỗ trợ tìm việc cho mình đi làm, công việc mỗi tháng lương 7 - 8 triệu nhưng không nói cụ thể đi làm ở đâu, yêu cầu đừng nói cho ba mẹ biết. Người đàn ông đó đón mình đi Đà Nẵng rồi đưa ra Hà Nội, Lào Cai và bán qua biên giới Trung Quốc”.

Đáng nói, đây không phải là “chiêu thức” mới. Vì nhẹ dạ, cả tin, khao khát một công việc nhẹ nhàng, kiếm được tiền ở đồng bằng, nhiều nạn nhân, trong đó có không ít ở tuổi vị thành niên đã sa chân vào bẫy mua bán người của các đối tượng. Chỉ bằng những lời rủ rê, hứa giới thiệu đi làm việc ở thành phố với mức lương cao, các em sẵn sàng đi theo, thậm chí giấu gia đình để rời đi, nên đến khi nạn nhân mất tích, việc truy tìm gặp vô vàn khó khăn. Không chỉ bị bán sang bên kia biên giới, bị bạo hành, làm việc khổ sai, nhiều bi kịch khác đã xảy ra với những nạn nhân của các đối tượng mua bán người. Thiếu hiểu biết pháp luật, chưa đủ nhận thức, cộng thêm sự tinh vi, thủ đoạn của bọn mua bán người là những nguyên nhân chính khiến tình trạng này vẫn âm thầm tái diễn ở các huyện vùng cao.

Những bài học đau lòng

Kaphu D. (làng Pà Dồn, xã Cà Dy, Nam Giang), một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc và may mắn trở về nhà kể rằng, chính người bạn cùng làng lừa bán qua bên kia biên giới, 4 năm lưu lạc ở xứ người mang theo quá nhiều cay đắng với D. Nhưng D. vẫn là người may mắn hơn nhiều nạn nhân khác, khi đã được trở về. “Thật không thể ngờ mình bị chính bạn bè lừa bán. Ai cũng có thể là nạn nhân và ngay cả người quen cũng có thể bán mình. Em muốn các bạn trẻ phải tỉnh táo, đừng tin người lạ, đừng nghe lời sẽ đưa đi ra Bắc tìm việc nhẹ lương cao. Đó chính là cái bẫy mà bọn mua bán người luôn giăng sẵn” - D. nói.

Gần đây nhất, năm 2018, Công an Quảng Nam cũng đã tổ chức giải cứu được 4 trong số 6 thanh thiếu niên dân tộc Xê Đăng từ 16 đến 19 tuổi ở huyện Nam Trà My bị một đối tượng đến dụ dỗ đi lao động tại Hà Nội, thực chất là đưa các em bán sang Trung Quốc. Đó chỉ là một trong nhiều vụ việc được Phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức giải cứu thành công. Theo Đại úy Phạm Văn Tuấn - Phó Đội trưởng (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh), có thời điểm như năm 2013 đơn vị phát hiện, điều tra khám phá đến 8 vụ mua bán người với 8 đối tượng, giải cứu thành công 7 trong số 12 nạn nhân. “Các đối tượng mua bán người thường về địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa để tìm hiểu hoàn cảnh của các nạn nhân, nhất là gia đình khó khăn để lên kế hoạch lừa, dụ dỗ nạn nhân đi lao động ở xa nhưng thực chất là đem bán sang Trung Quốc. Chúng còn sử dụng mạng xã hội, các mối quan hệ có sẵn ở các địa bàn vùng cao để tiếp cận nạn nhân, thực hiện hành vi phạm tội” - Đại úy Phạm Văn Tuấn cho biết.

Những trường hợp may mắn được giải cứu cũng đã phải nếm chịu nhiều đắng cay trước khi đoàn tụ gia đình. Số khác vẫn còn lưu lạc, bị bạo hành, bóc lột ở xứ người. Công an tỉnh khuyến cáo, bên cạnh công tác đấu tranh của lực lượng công an, người dân, nhất là lớp trẻ cần đề cao cảnh giác, đặc biệt cẩn trọng với những chiêu bài lừa đi tìm việc của các đối tượng mua bán người. Đồng thời các ban ngành, tổ chức xã hội cũng cần vào cuộc, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào thiểu số, để những bi kịch tương tự không còn lặp lại.

Tác giả: Thành Công - Minh Tuấn

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết