Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Độc đáo nhạc cụ truyền thống của người Triêng huyện Nam Giang

Và cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên vùng Trường Sơn, đồng bào dân tộc Triêng huyện vùng cao Nam Giang(Quảng Nam) rất yêu thích ca hát, bên cạnh đó họ còn sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội truyền thống và tín ngưỡng của cộng đồng. Với vốn âm nhạc truyền thống đó, nó còn là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn luôn được người Triêng nơi đây gìn giữ, bảo tồn…

Được biết, tộc người Triêng ở tỉnh Quảng Nam là nhánh lớn thứ hai của dân tộc Giẻ-Triêng sau người Giẻ. Là một cư dân miền núi, thuở xưa người Triêng có nguồn gốc từ Lào. Qua quá trình biến đổi của lịch sử, chiến tranh và sự thay đổi về môi trường tự nhiên,…người Triêng tự di chuyển dần xuống phía Nam của dãy Trường Sơn, và họ sống lan tỏa ở những vùng núi cao hiểm trở, đến những thung lũng trải dọc theo trục của hai con sông: sông Thanh và sông Đắc Pring(thuộc huyện Nam Giang). Hiện nay, ở huyện Nam Giang người Triêng sinh sống tập trung ở hai xã La Dêê và Đắc Tôi (Đắc Tôi tách ra từ xã La Dêê cũ vào tháng 3 năm 2011), một phần người Triêng ở xã La Êê, Đắc Pring, Đắc Pre và của xã Tàbhing.


Cồng chiêng-nhạc cụ của dân tộc Triêng 

Sống ở môi trường vùng núi cao, các hình thức nghệ thuật của người Triêng cũng có những đặc trưng riêng. Hoạt động kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Triêng nơi đây, và từ đây họ tự sáng tạo ra nhiều loại hình âm nhạc, trong đó có nhạc cụ của dân tộc mình mang nét độc đáo. Tuy đơn giản, nhưng âm thanh của nó lại quyến rũ lòng người. Từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như dây mây, dây đùng đình đến ống nứa, lồ ô, da trâu bò, da sơn dương,…thì các loại nhạc cụ dân gian này đều rất độc đáo. Các nghệ nhân dân gian dân tộc Triêng đã cảm nhận, chế tác, truyền thụ âm nhạc dân tộc truyền thống theo một cách riêng của mình. Họ dựa vào đôi tai để xác định độ trầm, bổng từng loại nhạc cụ như: trống, chiêng, đinh tút, sáo, đàn,…Mỗi nhạc cụ được sử dụng trong một hoàn cảnh khác nhau. Có loại dùng trong lễ hội, có loại chỉ đánh trên nương rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi chim, thú,...

Nói đến nhạc cụ truyền thống của người Triêng, trước tiên phải là trống. Trống là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội, ngày hội của người Triêng, nó không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường mà còn là nhạc khí thiêng, gắn kết giữa con người với thế giới thần linh. Trống của người Triêng có hai loại, và được họ gọi là hơ gơr và pa thân. H’gơr là một trống khá lớn. Thân trống được làm từ một khúc gỗ liền có chiều dài khoảng 1m, ở giữa phình to và thuôn nhỏ về hai đầu. Mặt thường được bưng bằng da bò hoặc da sơn dương. Dọc theo tang trống, người ta sử dụng dây mây để căng hai mặt da của trống. Thông thường, trước khi đánh, người ta hơ mặt trống vào lửa để điều chỉnh cao độ của trống. Hai mặt của một trống thường được điều chỉnh có âm và cao độ khác nhau. Dùi trống được làm bằng gỗ, đầu gõ được đẽo tròn và được bọc vải để tạo cho âm sắc ấm hơn khi đánh, mặt khác tránh sự cọ sát trực tiếp của gỗ vào mặt trống. Khi diễn tấu, trống được treo trên xà nhà rông. Mỗi người sử dụng một trống, một tay giữ, một tay dùng dùi gõ. Âm thanh của hơgơr rất mạnh mẽ, có khả năng vang vọng khắp núi rừng. Hơgơr là nhạc cụ thiêng của người Triêng, nên chỉ được sử dụng khi có lễ hội của cộng đồng làng, do nam giới sử dụng và không bao giờ mang ra khỏi nhà Ưng(ngôi nhà làng truyền thống của làng).




Người Triêng huyện Nam Giang(Quảng Nam) với sáo đinh tút.

Bên cạnh hơgơr, người Triêng còn có loại trống nhỏ pa thân. Mặt trống pa thân được làm bằng da bò. Về cơ bản, trống pa thân cũng giống như trống hơ gơr, chỉ khác khi diễn tấu, trống được đeo ngang trước bụng và dùng tay vỗ vào hai mặt trống. Pa thân là nhạc cụ do nam giới sử dụng và thường được dùng để hòa tấu với dàn chiêng, đệm cho múa, hát trong các lễ hội truyền thống, ngày hội của gia đình và cộng đồng làng.

Bên cạnh trống, còn có cồng chiêng. Đến nay, người ta biết đến người Triêng vùng núi Quảng Nam có hai loại chiêng: chiêng Nỉ và chiêng Ngô. Mỗi loại có 3 chiếc(từ nhỏ đến lớn). Đây là cồng chiêng cổ truyền và chúng được người Triêng gọi tên khác nhau. Chiêng Ni, theo cách gọi người Triêng có nghĩa là: Ông Cha con Trai con Rể. Chiêng Ngô, theo cách gọi người Triêng có nghĩa là: Cha Mẹ Con con Út. Với người Triêng thì bao giờ họ cũng quí bộ chiêng Nỉ hơn so với bộ chiêng Ngô. Theo họ, quan hệ trong bộ chiêng Nỉ rộng hơn và đặc sắc hơn. 
   Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 2 loại cồng chiêng trên đều được người Triêng sử dụng hầu hết trong nghi lễ truyền thống. Từ lễ thổi tai của trẻ em sơ sinh đến lễ bỏ mả; từ mừng nhà Ưng mới(ngôi nhà làng truyền thống), đến lễ hội Choóc đăil(ngày hội đinh tút của cộng đồng)... Bất cứ lễ hội nào, cũng không thể thiếu cồng chiêng. Theo truyền thống, ứng với mỗi hoàn cảnh là một bài chiêng khác nhau và ngay trong lễ hội, các bài chiêng cũng đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau. Tùy theo không khí chung của lễ hội mà nó luôn đi kèm với những bài chiêng khác nhau: za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, pê lách, tusk chiêng loong, troong zục, trơn lawil, zức zăih... tạo nên một dòng chảy âm thanh không dứt và điệu múa xoang mềm mại của phụ nữ Triêng.




Làng người Triêng, thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang vui hội.

   Nói đến nhạc cụ truyền thống của người Triêng, thì khèn(gor), đây là loại nhạc cụ được người Triêng ưa thích nhất. Nó được chế tác từ một ống trúc nhỏ, đường kính khoảng 1 cm nhưng dài tới 1m, có màng rung bằng lưỡi gà, âm sắc rất đặc biệt. Khèn gồm 7 cặp ống gắn kết với bầu cộng hưởng bằng sáp ong, có thể hòa âm, giữ nhịp. Đây là loại nhạc khí rất độc đáo, có nguồn gốc khèn bè từ bên Lào và người Triêng vùng núi Quảng Nam xa xưa đã từng cư trú bên Lào nên sự có mặt của khèn là điều dễ hiểu. Với người Triêng, việc thổi khèn không được tuỳ tiện, mà phải theo một quy định đặc biệt. Người thổi khèn phải là người đứng đắn, được bà con hàng xóm yêu mến. Và nó chỉ được sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh. 

Ngoài việc sử dụng quả bầu dùng đựng nước uống, từ lâu người Triêng cũng biết chế tác để tạo nên đàn m’bin puil. Theo tiếng Triêng thì m’bin: đàn, puil: là vỏ trái bầu khô. Vì thế, đàn m’bin puil do người Triêng sáng tạo gồm nữa quả bầu khô và một cần đàn chỉ có hai dây cấu tạo thành. M’bin puil, được người Triêng xếp vào là loại nhạc cụ dây, chỉ gẩy. Cần đàn tròn và nhỏ, được làm bằng tre hoặc gỗ, dài khoảng 70cm. Hộp cộng hưởng được làm từ vỏ bầu khô. Dây đàn cũng được làm bằng dây đùng đình. Khi diễn tấu, phần miệng quả bầu được úp vào bụng của người chơi và với động tác khép mở miệng quả bầu vào thành bụng để tạo ra những sắc thái khác nhau. Tay phải dùng để gảy đàn, tay trái vừa giữ cần đàn vừa bấm phím. M’bin puil thường được người Triêng đánh vào những lúc nông nhàn, lúc chuẩn bị đi ngủ, hay sáng sớm và có thể dùng để hòa tấu cùng các nhạc cụ khác hoặc đệm cho hát giư chau(hát ru), hát nghiê (hát giao duyên nam nữ). 

Ong eng là nhạc cụ dây, chỉ cung kéo. Về hình thức, ong eng cấu tạo tương tự như đàn nhị của người Kinh nhưng chỉ có một dây. Dây đàn được làm từ vỏ lụa của cây đùng đình. Loại dây này nhỏ như sợi cước, có màu đen và rất dai. Cần đàn là một đoạn tre nhỏ có đường kính khoảng 2,5cm, dài khoảng 90cm. Hộp cộng hưởng được làm từ một ống nứa dài khoảng 12cm, đường kính khoảng 7cm, mặt đàn thường được bịt bằng da cóc. Cần kéo đơn giản là một thanh tre vót mỏng và cột bằng dây mây nhỏ tạo độ cong vừa phải như hình cánh cung, sau đó lấy sáp ong bôi lên dây tạo độ trơn khi kéo. Khi diễn tấu, người chơi ngồi xuống đất, hoặc sàn nhà, dùng ngón chân kẹp chặt vào cần đàn, tay phải kéo, tay trái vừa giữ đàn vừa vuốt vào dây để điều chỉnh cao độ. Ong eng có thể được dùng để độc tấu, hòa tấu cùng với m’bin puil hoặc đệm cho người hát những lúc rảnh rỗi. 

Bên cạnh khèn(gor) và Ong eng, người Triêng thường chế tác nhạc cụ tù và làm từ sừng của con Sơn dương và người Triêng gọi là kayol. Kayol có độ dài từ 12-15cm. Đầu vuốt đuôi sừng được được cắt vát tạo lỗ hở đường kính khoảng 0,5cm. Đầu lớn được bịt lại bằng sáp ong. Kích thước âm ở lòng (phía trong đường cong). Thổi nhẹ, tiếng trong và có thể thực hiện được nhiều bồi âm từ lực của hơi. Theo truyền thống, kayol được sử dụng như tiếng kẻng kêu gọi buôn làng, mang ý nghĩa thông tin, phát lệnh tập hợp khi có bão lũ, thú rừng lớn về làng phá phách hoặc có sự đột nhập từ bên ngoài...

Một loại nhạc cụ đặc sắc của người Triêng vùng núi Quảng Nam, đó là sáo đinh tút. Theo tiếng Triêng, đinh: có nghĩa là ống nứa. Tút: có nghĩa là âm thanh hoặc giai điệu. Đinh tút là ống phát ra âm thanh, giai điệu. Với người Triêng, đinh tút được tạo ra rất tình cờ. Vì người Triêng làm nương rẫy ở vùng quanh năm lộng gió nên mùa trỉa rẫy, trong lúc lom khom trỉa hạt giống thì từ ống lồ ô đựng hạt giống phát ra những âm thanh trầm bổng rất vui. Âm thanh đó đã tạo phấn khích lao động sản xuất, theo đó đinh tút được tạo ra. Ðinh tút của người Triêng được làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống. Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Các ống đinh tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống.

Muốn thổi được đinh tút, đàn ông Triêng phải có sức khỏe và có kỹ thuật lồng hơi. Khi thổi, nghệ nhân phải nhún nhảy mô phỏng những động tác của người đang trỉa lúa hoặc nhổ cỏ, gặt lúa…Để thổi đinh tút cần phải có 6 người, mỗi người thổi một ống. Ðinh tút hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn nứa, đến việc thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó. Bộ đinh tút của của người Triêng hiện nay so với đinh tút truyền thống trước, thì ống nhỏ và ngắn hơn, vì vậy có nhiều người biết thổi.

Điều thú vị là đinh tút của người Triêng chỉ có đàn ông thổi, và khi thổi đinh tút thì những người đàn ông đó, dù già hay trẻ đều phải đóng giả làm phụ nữ Triêng. Họ không được đóng khố mà phải mặc váy của phụ nữ che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi. Việc đàn ông mặc váy thổi đinh tút đã trở thành tập quán từ rất xa xưa. Khi ấy nhạc cụ này thường chỉ dùng cho lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng lúa, để gọi hồn lúa, đưa đường đón lúa từ nương rẫy về buôn. Mà hồn lúa theo quan niệm của người Triêng là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, lại nhút nhát nữa. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng tiên lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy. Nàng tiên lúa bỏ chạy thì sang năm sẽ mất mùa, đói kém cho nên khi thổi đinh tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà. Vậy là, từ một quan niệm mang tính lễ nghi nông nghiệp đã hình thành lối diễn tấu nhạc cụ rất độc đáo có một không hai của đồng bào Triêng. Thường khi biểu diễn, các nghệ nhân bao giờ cũng kết hợp với múa. Đội hình múa di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ, động tác múa ngây ngất, lắc toàn thân. Thổi đinh tút không đứng yên, các nghệ nhân luôn di chuyển theo hình vòng cung. Vào mùa lễ hội, dịp Tết đến xuân về, đinh tút luôn có ở mọi lúc mọi nơi. Tiếng đinh tút vang lên, cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng nơi đây.

Nếu đinh tút là nhạc cụ trình diễn mang tính tập thể, thì người Triêng cũng còn có những nhạc cụ khác dành cho đàn ông và thanh niên Triêng cũng được chế tác từ nứa dùng để độc tấu. Đó là sáo gor, đơl đô, ta lun, ta lin đến sáo ta lẹh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nhạc cụ đinh tút ra thì từ sáo gor, đơl đô, ta lun, ta lin đến sáo ta lẹh của người Triêng là loại sáo đơn, âm thanh của sáo có những âm rất độc đáo, có những tiếng thô, đục, và rè bên cạnh những tiếng trong trẻo êm ái như tiếng người thủ thỉ. Trong cuộc sống hằng ngày, sáo là một loại nhạc cụ của các chàng trai Triêng, họ thường mang theo như một người bạn đường, bạn trong lao động và là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu những lúc đi rừng hái măng, lên nương, lên rẫy và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi.

Gor, là nhạc cụ hơi. Gor được làm bằng một ống nứa nhỏ, chiều dài khoảng 95cm, đường kính lòng ống khoảng 1,2cm, một đầu rỗng, một đầu có mấu. Ở đầu có mấu, người ta khoét một lỗ thổi hình chữ nhật và có gắn lưỡi gà làm bằng tre. Trên thân sáo chỉ có một lỗ bấm cao độ nằm cách đuôi sáo 20cm. Nhạc cụ này dành cho đàn ông, thanh niên Triêng sử dụng độc tấu trong sinh hoạt hàng ngày hoặc thổi vào những lúc có tâm trạng buồn muốn khóc nhưng không thể khóc, hay thổi để tưởng nhớ về những người thân trong gia đình, dòng họ đã khuất.

Đơl đô, là loại sáo thổi ngang, chi lỗ vòm, dài khoảng 90cm, hai đầu rỗng và chỉ có một lỗ thổi nằm ở 1/4 thân sáo. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm thanh bằng cách dùng ngón tay cái bịt mở ở hai đầu ống để tạo ra những cao độ khác nhau. Đơl đô thường được sử dụng độc tấu trong sinh hoạt hàng ngày.

Một loại sáo ngang khác phải kể đến là ta lẹh. Đây là loại chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo, dài khoảng 70cm, hai đầu đều rỗng. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm thanh ở một đầu bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở đầu ống để tạo những cao độ khác nhau. Khi cây lúa trên rẫy bắt đầu lớn thì người ta thổi sáo ta lẹl trong quá trình trông rẫy, đến khi cây lúa trổ đòng mới thôi. Mặt khác, sáo ta lẹh còn dùng để độc tấu, đệm cho hát trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những ngày lễ, ngày vui của gia đình và cộng đồng làng.

Nếu đơl đô và là ta lẹh là loại sáo thổi ngang, thì ta lun là loại sáo thổi dọc, chi lỗ vòm, dài khoảng 65cm, một đầu có mấu, một đầu rỗng. Trên thân sáo có 3 lỗ bấm tạo cao độ. Ta lun được sử dụng trong những lúc nghỉ ngơi, thư giãn hay có thể dùng để độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát khi phụ nữ Triêng dệt vải,...

Cũng giống như ta lun, thì sáo ta lin được chế tác từ một ống nứa, dài khoảng 25cm, một đầu có mấu, một đầu rỗng. Trên thân sáo có 4 lỗ bấm tạo cao độ. Ta lin thường được thổi vào những lúc nông nhàn, nghỉ ngơi trong nhà, trong đám cưới thường là với các bài: zdơ zdơ hoặc ning nin nói về tình cảm vợ chồng hoặc tình yêu đôi lứa. Cả nam và nữ cùng hát đối đáp với nhau. Bên cạnh đó, sáo ta lin còn có thể độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát giao duyên nam nữ.

Từ bao đời nay, vùng Trường Sơn luôn ghi dấu ấn truyền thống văn hóa rất đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Triêng huyện vùng cao Nam Giang(Quảng Nam). Và với người Triêng, vốn âm nhạc truyền thống luôn là linh hồn và nó luôn được người Triêng nơi đây bảo tồn nguyên gốc. Vì vậy, nhạc cụ truyền thống của người Triêng đã được cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trên dãi đất hình chữ S, biết đến qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước. Những nhạc cụ này, không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn lẫn của người Triêng mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc truyền thống của các dân tộc tộc thiểu số trên cả nước Việt Nam, chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy./.

Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết