Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Pơ Loong Din, Giữ nghề đan dây gùi Cơ Tu

Nghề đan lát truyền thống của người Cơtu vùng biên huyện Nam Giang(Quảng Nam), từ lâu đã góp phần tạo nên nét tinh hoa văn hoá độc đáo. Những sản phẩm tinh xảo do người Cơtu làm ra chủ yếu để phục vụ đời sống sản xuất và đến nay vẫn còn được lưu giữ.


Ông Pơlong Din đang tính độ dài ngắn của đế gùi mà đan dây gùi cho phù hợp

Trong ngôi nhà sàn truyền thống vững chãi thuộc thôn ABát, xã Chà Vàl, huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) của gia đình ông Pơlong Din bên trục Quốc lộ 14D nối lên Cửa khẩu Đắc Tà Oọc với nước bạn Lào, chúng tôi bắt gặp rất nhiều vật dụng từ nghề đan lát thủ công truyền thống, trong đó có nhiều loại dây gùi với kích thước dài ngắn khác nhau. Và điều đặc biệt mà ông Din (77 tuổi) chia sẻ với chúng tôi, đó là những đồ dùng này nhà tự làm chứ không đi mua. Ông Pơlong Din cho chúng tôi biết: Ngày trước, muốn có một chiếc gùi, talét hay khách tà mòi đẹp và chắc, chúng tôi phải vào rừng sâu để chọn và bứt những loại mây chắc như: mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám... Thời gian để hoàn thành một sản phẩm tùy theo từng loại gùi lớn, nhỏ và độ công phu khi thực hiện những công đoạn đan cho gùi và cho cả dây mang gùi nữa. Trừ những chiếc gùi dã chiến làm từ mây nước dùng để gùi củi, sắn khoai chỉ đan từ 2-3 ngày; những chiếc gùi sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội thì phải đan vài tháng mới hoàn thành. Nguyên liệu phải từ loại mây chắc bền và có thể sử dụng khoảng 30 năm.

Chúng tôi đã nhiều lần lên xã vùng cao Chà Vàl công tác, và với các loại gùi thì chúng tôi đã biết, nhưng thú thực đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp một người Cơtu đan dây gùi đẹp và tinh xảo như ông Din. Cũng theo ông Pơlong Din, tùy thuộc vào các loại gùi mà người Cơtu dùng kỹ thuật đan theo kiểu cài lóng mốt cho dây gùi, nhưng khó nhất là đan dây gùi với công đoạn kết dây gùi. Để kết được dây gùi đó, thì những sợi mây này phải được lấy từ mây xà phun hoặc mây rã thì dây gùi mới có độ bền cao. Tùy thuộc vào gùi lớn nhỏ và cách sử dụng của người dùng mà dây gùi có thể gắn kết với gùi hơn 10 năm mới hư và khi gùi còn dùng thì phải cần dây gùi. Khi không dùng, bà con treo gùi trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh gián, rất bền vì không mối mọt hay bị ẩm mốc.

Năm nay dù đã gần 77 tuổi, nhưng hằng ngày ông Pơlong Din vẫn miệt mài đan dây gùi


Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đã chọn được mây xà phun hoặc mây rã đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc chẻ và vót dây mây. Công đoạn vót dây mây cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện cho một dây gùi bền đẹp, hay xấu và thô. Do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. Đây không phải là bí quyết mà là sự khéo léo nên không phải người đàn ông dân tộc Cơtu nào làm cũng được. Công đoạn chẻ mây phải mỏng và khi chẻ mây xong thì phải chuốt lại sợi mây sao cho sợi mây nhẵn và đều, để khi đan nó khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Và muốn có được chiếc dây gùi đẹp và bền thì khâu quan trọng nằm ở chỗ khâu xử lý sợi mây sau khi đã vót xong. Theo kinh nghiệm của người Cơtu, mây vót xong đem ngâm trong ché cùng với khoảng 1/2 muối trong khoảng thời gian từ 1-2 tháng. Khi đó, muối thấm vào sợi mây và khi mang ra để đan dây gùi quàng vào vai rất êm mà làm cho sợi mây có độ bền nữa.

Mặc dù không phải là nghề tăng thêm thu nhập thường xuyên trong gia đình ông Pơlong Din, nhưng dây mang gùi đã trở thành những vật dụng hết sức cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của người Cơtu trên vùng biên Nam Giang. Bởi thế, mà nghề đan lát nói chung và đan dây gùi của ông Din vẫn được ông gìn giữ. Hiện nay, trung bình mỗi chiếc dây gùi tùy vào độ dài hay ngắn ông Din đan xong từ 2-3 ngày có giá từ 150-250 ngàn đồng do bà con đặt hàng. Việc đan dây gùi trong lúc nông nhàn hoặc vào mùa mưa không đi rẫy được cũng giúp ông Pơlong Din có thêm thu nhập. Thế nhưng theo lời ông Din, lớp trẻ thanh niên Cơtu bây giờ không học nghề đan gùi; nhất là đan dây gùi của cha ông nó, trong thôn ABát chỉ còn vài người đan gùi đẹp, và đặc biệt chỉ còn một mình ông Din là giữ nghề đan dây gùi. Song hiện nay ông Din đã lớn tuổi, mắt cũng đã mờ, tay chân đã yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Nhìn đôi tay ông Din thoăn thoắt luồn qua những sợi mây để tạo nên những sợi dây gùi, tưởng chừng như đơn giản và chúng tôi bắt gặp ánh mắt xa xăm ẩn chứa nhiều nỗi niềm trong ông thật khó tả.

Sự kỳ công, giá trị của những dây gùi đã nói lên sự tài hoa, khéo léo và chịu khó của đôi bài tay ông Pơlong Din. Dây gùi chứa đựng những yếu tố văn hóa và là đồ vật gửi gắm tình cảm cũng như sự cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng tộc người Cơtu. Ông Pơlong Din là người đang nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghề đan lát của dân tộc mình trên xã vùng cao Chà Val, huyện Nam Giang(Quảng Nam)./.

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết