Được biết, từ lâu với tộc người Cơtu nói chung và với người Cơtu huyện vùng cao Nam Giang(Quảng Nam) nói riêng, ngoài những làn điệu dân ca, dân vũ như: hát babhoóch, cha chấp, ka lới, tr’a(dân ca/hát dao duyên), bh’noóch (hát lý)…Bên cạnh đó, họ còn có một kho tàng nhạc cụ dân tộc với nhiều loại hình, âm sắc, tiết tấu đa dạng và phong phú như: đàn abel, đàn tâm bét alui, đàn Jum bre, khèn bơrét, sáo alướt, sáo tơrét, trống, chiêng v.v…Mỗi loại nhạc cụ có những đặc điểm, công dụng và tính năng riêng mang đặc trưng của người Cơtu qua các giai đoạn phát triển lịch sử của dân tộc mình, và luôn có sức hút mạnh mẽ, đã ăn sâu vào tiềm thức, là niềm kiêu hãnh và một phần nói lên sự giàu có mang đậm đà bản sắc dân tộc trong đời sống của đồng bào Cơtu nơi đây. Trong tình yêu đôi lứa, nhạc cụ dân tộc Cơtu là phương tiện thể hiện ngôn ngữ kết nối giao duyên đôi lứa để bày tỏ tình cảm yêu thương, nhớ nhung giữa trai gái Cơtu với nhau.
Cồng chiêng:
Do đặc điểm cư trú, hiện người Cơtu vùng núi Nam Giang(Quảng Nam) sinh sống thành 3 vùng: Người Cơtu vùng cao(thuộc các xã: Zuôich, La Dêê, La Êê, Chơ Chun, Chà Vàl, người Cơtu vùng trung(thuộc các xã: Tà Pơơ, Tà Bhing) và người Cơtu vùng thấp(Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ), nhưng ở họ luôn xem cồng chiêng là loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm đà bản sắc và nó luôn có mặt trong những lễ hội truyền thống tưng bừng của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví), Lễ bỏ mả (Têng ping), Lễ ăn mừng Gươl (Lang tơrí), trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng ngày vui chiến thắng, Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu(Pơ ngoót)…Cồng chiêng với họ là một thế giới âm thanh lạ lùng mang cả nét kỳ bí mà nó còn thể hiện những tình cảm vui buồn và sự lạc quan, yêu đời.
Đến nay, được biết ở người Cơtu dù phân bố ba vùng như trên nhưng họ đều dùng hai loại chiêng: chiêng bằng và chiêng núm với 6 chiếc to nhỏ khác nhau. Cồng chiêng từ lâu đã có mặt trong các lễ hội của buôn làng. Tuỳ vùng mà trong các dịp lễ hội nói ở trên mà người Cơtu có tiết tấu cồng chiêng khác nhau. Người Cơtu vùng cao, người Cơtu vùng trung có tiết tấu cồng chiêng chậm và trầm, người Cơtu vùng thấp có tiết tấu cồng chiêng nhanh và rộn rã. Nhưng nhìn chung ở họ vẫn thích các điệu chiêng như: điệu khóc tế trâu (prờ lư), điệu đờ - hương, trong những lúc chia lìa cha mẹ, đưa tiễn người thân... vào thế giới vĩnh hằng người Cơtu có điệu cơlâu - cơlênh buồn, nhớ nhung, tiếc thương... Ngoài ra, họ còn có điệu chiêng đờhập - bơrếch sôi nổi, lạc quan và yêu đời...
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, người Cơtu thường tấu nhạc điệu cồng chiêng bằng cách tác động vào núm cồng, vào điểm giữa của chiêng, kết hợp với dùng tay trái chặn vào mặt sau ở vào thời điểm cần thiết (tức là ngắt tiếng). Đó là kỹ thuật, là nghệ thuật trong cách đánh cồng chiêng của người Cơtu. Phổ biến họ gõ cồng chiêng bằng dùi có bọc vải ở đầu, gõ cồng chiêng bằng dùi để trần, là một đoạn cây dát mỏng, mềm, lúc họ lại tấu cồng chiêng bằng phần mềm của nắm tay. Khi làng có tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng như trên, ở họ sử dụng điệu chiêng vui nhộn, sôi nổi đờhương, kèm theo điệu múa tung tung (múa nam), da dá (múa nữ) nhanh và linh hoạt… Trong lễ hội đâm trâu, người Cơtu xem con trâu là người bạn thân thuộc, có điệu chiêng khóc tế trâu prờ-lư. Trong lễ tang ma, lễ bỏ mả, những lúc phải xa lìa vĩnh viễn, mất cha, mẹ, con cái, người thân trong gia đình, đồng thời giãi bày nỗi đau khổ, bớt đi nỗi dằn vặt của mình, trong những lúc này cồng chiêng lại có tiết tấu theo điệu cơ lâu-cơ lênh, tiếng chiêng được vang lên từ bên ngoài của mặt lưng chiêng với tâm trạng buồn thảm, nhớ nhung da diết và thương tiếc người thân với âm điệu cơ lâu-cơ lênh chậm chạp, buồn nhớ.
Trong sinh hoạt mang tính xã hội như chiến thắng với thú dữ, chiến thắng với bão lụt, trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng chiến thắng, chiến thắng với kẻ thù, trong dịp này, người Cơtu sử dụng cồng chiêng với tiết tấu mạnh mẽ hùng tráng với điệu đờhập đờrếch. Trong lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơngoót), lễ cưới hỏi, lễ giải quyết bất hòa trong gia đình, trong buôn làng kéo họ lại gần nhau hơn, thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống, trong những lúc hiểm nguy, gian khó… trong những trường hợp này người Cơtu sử dụng cồng chiêng với tiết tấu điệu Cơlới nhanh, vui nhộn, sôi nổi và đầy lạc quan, yêu đời…
Trống:
Cùng với cồng chiêng, người Cơtu cũng đã dùng trống trong các dịp lễ hội như nói trên. Trống của người Cơtu có ba loại: Nhỏ có đường kính khoảng 17cm, cao khoảng 60cm; trung bình có đường kính khoảng 20cm, cao 80cm và trống cái có đường kính khoảng 30cm, cao khoảng 50cm. Tất cả các loại trống này được làm từ thân cây đục rỗng. Trống cái được người Cơtu sử dụng vào việc như báo mưa lũ, đánh lên trong những lúc có voi, thú dữ về làng phá hoại hoặc có sự xung đột từ bên ngoài.
Trống, cồng chiêng luôn hòa mình vào không gian khi làng Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôich, huyện Nam Giang tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới.
Abel:
Mới nhìn thì abel của người Cơtu trông rất giống như đàn nhị của người Kinh, nhưng tính năng của loại đàn này lại hoàn toàn khác. Về mặt cấu tạo, abel được làm bằng nứa, có độ dài khoảng 50cm, abel có tất cả 3 lỗ. Khi nghệ nhân người Cơtu dùng, tay phải của nghệ nhân cầm cần tre vót nhọn và tay trái bấm vào dây đàn. Trong hai dây đàn thì có 01 dây được gắn vòng tròn ở đầu dây, vòng tròn được làm bằng vảy Trút (con Tê tê) được nghệ nhân cắn giữa hai hàm răng. Đàn abel thường được người Cơtu dùng vào việc hát giao duyên, hát nhân ngãi...
Nghệ nhân Bh’ling Do(82 tuổi) thôn Công Dồn xã Zuôich huyện Nam Giang(Quảng Nam) với cây đàn abel.
Đàn tâm bét alui:
Tâm bét alui của người Cơtu thoạt nhìn cũng giống cây đàn bầu của người Kinh, nhưng chức năng và cấu tạo của loại đàn Tâm bét alui này hoàn toàn khác với đàn bầu của người Kinh. Người Cơtu vùng cao gọi tâm bét alui là tpreh alui. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng nó được cấu tạo bằng một quả bầu khô cắt ngang ra làm đôi, gắn với cần đàn, có khoá đàn và dây đàn. Loại đàn này thường được họ dùng hoà âm cùng với đàn abel.
Gơrưna:
Gơrưna có cấu tạo là một ống tre còn nguyên hai mắc (hai đầu kín), một đầu được khoét một lỗ nhỏ với 2 chức năng để âm thanh thoát ra ngoài và là nơi bỏ (cất) que tre dùng để đánh đàn khi không chơi đàn nữa. Tùy vào cách chọn ống tre(khoảng 0,5m, đường kính khoảng 0,10 m). Thân đàn được vạt một lớp dày gần đến ruột lóng ống tre, chiều ngang khoảng 5cm, chiều dài gần chạm hai đầu lóng. Hai bên có hai sợi tre nhỏ cũng lấy từ thân ống làm dây đàn. Hai đầu của hai dây đàn là con đội(con nem), nâng hai sợi dây đàn lên(trầm, bỗng). Tùy thuộc vào nghệ nhân tạo ra và chơi nó mà đàn có tông cao, thấp khác nhau. Muốn có tông cao, người ta chỉ cần xê dịch con đội về phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ căng lên. Muốn có tông thấp thì người ta chỉ cần xê dịch con đội lùi xa phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ giãn ra. Khoảng cách giữa hai sợi dây theo chiều dài là lưỡi gà làm bằng lá nón trên rừng để phát ra âm thanh.
Một trong những nét độc đáo của đàn gơrưna, chỉ dùng cho một người chơi, nó luôn được dựng đứng để giữ âm lại trong ruột đàn. Đàn ông Cơtu một tay nắm thân đàn theo chiều dọc, tay kia dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và làm cho nó dao động, rung lên và chuyền đến lưỡi gà, phát thành tiếng nhạc độc đáo nghe thật da diết. Trong những lúc làm nương rẫy, người Cơtu cần một thứ âm thanh để xua đuổi mệt nhọc, để khỏe khoắn và thoải mái tinh thần. Trong lúc ngồi canh rẫy, âm thanh của đàn gơrưna lại được cất lên không những làm vui tai mà còn xua đuổi được chim chóc ăn lúa. Trong những đêm mưa rừng Trường Sơn lạnh giá, lúc này đàn ông Cơtu lại gảy đàn gơrưna như vơi đi nổi nhớ. Đàn gơrưna đơn giản vậy, nhưng người chế tác ra nó phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc để tiếng đàn được trong trẻo, đúng âm lượng thì mới chinh phục được người nghe.
Đàn Gơrưna
Khèn bơrét:
Bơrét là nhạc cụ hơi, đa thanh gồm 14 ống nứa nhỏ sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng từ ngắn đến dài. Đôi ống dài nhất là 60cm và cặp ngắn nhất là 35cm và mỗi ống cho một âm thanh riêng. Khèn bơrét của người Cơtu ảnh hưởng khèn của người Cơtu anh em bên nước bạn Lào.
Khèn bơrét cấu tạo rất phức tạp, các ống nầy đều gắn lưỡi gà và được xuyên qua bầu khèn, được làm bằng gỗ dẻo gọi là apúc. Phần ống có gắn lưỡi gà đều được đặt trong apúc được bít kín các khe bằng sáp ong ruồi. Lỗ thổi khoét ngay đầu bầu khèn, có thể đồng thời vừa chơi giai điệu vừa thực hiện các chồng âm đệm theo, cũng như âm trì tục kéo dài. Âm vực khá rộng, khèn bơrét thường có âm vực hình thành hàng âm không bán âm.
Khi thổi khèn bơrét, nghệ nhân Cơtu luồng hơi thổi ra ngoài, khiến âm thanh của khèn bơrét trở nên trong và ấm hơn. Trong 14 ống của khèn bơrét được khoét lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, khèn bơrét sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với các chiếc chiêng của người Cơtu. Theo truyền thống, loại nhạc cụ này dùng để đàn ông Cơtu sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh.
Người Cơtu tin rằng đời sống, sức khỏe, công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ luôn được mọi sự như ý nên việc thổi khèn không được tuỳ tiện mà phải theo một quy định đặc biệt, người thổi khèn bơrét phải là người đứng đắn, tốt, được bà con hàng xóm yêu mến, công nhận.
Ông Bh’ling Hạnh(71 tuổi), thôn Công Dồn, xã Zuôich, huyện Nam Giang (Quảng Nam) với khèn bơrét.
C’rdool:
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Cơtu vùng cao Nam Giang gọi nhạc cụ này là c’rdool, còn người Cơtu vùng thấp gọi nhạc cụ này là Loát. Dù tên gọi có khác, nhưng nhạc cụ này của người Cơtu được làm bằng sừng trâu, dài khoảng 30-50cm. Ở giữa thân sừng trâu, đục một lỗ hình chữ nhật dài, bỏ lưỡi gà để làm lỗ thổi. Lưỡi gà này được làm bằng thân cây đót già lấy trong rừng sâu, chặt ra, phơi khô, mang về làm, bởi nó làm cho tiếng kêu vang vọng và rất chắc, để lâu đời cũng không suy suyễn gì. Với nhạc cụ này, người thổi c’rdool/loát không chỉ đơn giản là người biết thổi, mà phải là người có sức vóc, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận êm ấm. Mỗi làng chỉ chọn được một già làng có uy tín để thổi nó mỗi khi làng có lễ hội. Đặc biệt, c’rdool/loát được già làng sử dụng, báo tin thú dữ, mưa bão hoặc có sự xung đột từ bên ngoài... để dân làng biết, những người trẻ không nằm trong Hội đồng già làng thì không được dùng c’rdool/loát.
Sáo alướt:
Sáo a lướt được làm bằng ống nứa, ống trúc có chiều dài khoảng 40cm, đường kính khoảng 1,5cm một đầu được bịt kín. Sáo a lướt có tổng cộng 9 lỗ, trong đó lỗ còn lại cách đều nhau khoảng 2,5cm. Sáo a lướt gần như chỉ dành cho người đàn ông Cơtu, nhất là những thanh niên Cơtu đến tuổi yêu đương, dùng sáo a lướt thổi tỏ tình với người yêu.
Sáo tuốt:
Sáo có cấu tạo gồm 4 lỗ, có đầu sáo để thổi, sáo tuốt có độ dài khoảng 40cm và khi chơi nghệ nhân Cơtu dùng bốn tay bấm vào bốn lỗ ở phía dưới. Sáo tuốt là loại nhạc cụ được người Cơtu dùng vào các dịp lễ hội của buôn làng. Ngoài ra, sáo tuốt được người đàn ông Cơtu sử dụng vào những lúc u buồn, bày tỏ tâm trạng riêng tư của người cha đối với con cái.
Sáo tơrét:
Sáo cũng được làm bằng ống nứa, gồm có 3 lỗ để bấm, có lưỡi gà để thổi. Sáo tơrét dài khoảng 25cm, thường được sử dụng vào các dịp lễ hội hoặc các buổi hát giao duyên.
Sáo ahen:
Sáo được làm bằng ống tre, nứa, đầu thổi có lưỡi gà bằng đồng, ngón tay cái của nghệ nhân bấm vào lỗ dưới và ba ngón tay khác bấm vào ba lỗ phía trên. Thân sáo ahen dài khoảng 40cm. Loại nhạc cụ này được người Cơtu dùng vào nhiều trường hợp, trong các dịp lễ hội của buôn làng, lúc đi săn bắt thú rừng hay trong dịp hát đối đáp nam nữ (babhoóch)
Sáo ahen:
Trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh loạn lạc, dời làng rồi lại lập làng… nhưng người Cơtu vùng núi Nam Giang(Quảng Nam) vẫn giữ được nhiều tài sản văn hóa quý trong đó có vốn âm nhạc truyền thống. Nhạc cụ truyền thống này từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Cơtu nơi đây. Với họ, âm nhạc một phần nói lên sự giàu có, niềm kiêu hãnh và mang đậm đà bản sắc dân tộc mà từ bao đời nay tổ tiên, ông bà họ đã gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay, xã hội ngày một phát triển trong đó sự giao thoa của các loại hình văn hóa, âm nhạc đương đại đã làm phai dần đi nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu nói chung và với người Cơtu huyện Nam Giang nói riêng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu nói chung và nhạc cụ truyền thống của họ nói riêng là một hoạt động mang tính cấp bách, lâu dài. Ý thức, tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” thì cần có sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong huyện Nam Giang, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và sự góp sức đầy nhiệt huyết của đại bộ phận đông đảo đồng bào Cơtu trong huyện. Đây là vốn quý không những với họ mà cho cả chúng ta hôm nay cần bảo tồn và phát huy./.