Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Kinh nghiệm làm nhà kho giúp người Cơ Tu bảo quản lương thực

Từ lâu, người Cơtu vùng núi Nam Giang (Quảng Nam) luôn xem kho lúa là loại hình kiến trúc nhà độc đáo mà nó còn là nơi cất giữ, bảo quản hoa màu, lương thực. Đó còn là một loại hình hậu cần truyền thống dựa vào cộng đồng để khi cần thiết, sẽ như là một trong những phương án bốn tại chỗ ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thiên tai.



Kho thóc của đồng bào dân tộc Cơtu thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang(Quảng Nam)


Thoạt nhìn, nhà kho (cr’lăng) của người Cơtu huyện vùng cao Nam Giang có hình dáng như ngôi nhà ở thu nhỏ. Sàn cao từ 1,5 - 2m; diện tích 2m x 2,5m. Mái nhà kho dốc xuôi đến tận mép sàn với mục đích chống ẩm, côn trùng và chống cháy. Kho thường được dựng trên 1 hoặc 4 cột chịu lực. Nguyên liệu chính là gỗ, mây, tre, nứa, tranh... khai thác từ núi rừng vây quanh. Sàn được lót bởi nhiều lớp tre đan, vách vây kín thành vòng tròn bằng những tấm đan lớn. Nhà kho thường chỉ có một cửa nhỏ vừa đủ thân người được cài bằng cửa sập kín. Cũng theo kinh nghiệm của người Cơtu, nhà kho được lợp tranh hay lá sẽ giữ thóc khỏi ẩm mốc, vì mái tranh và mái lá sẽ hút ẩm, giữ cho thóc luôn khô ráo. Nhưng nhược điểm là không bền lâu, dễ bị dột nước khi trời mưa to. Lợp mái tôn thì ban đêm hơi nước bốc lên, gặp lạnh sẽ đọng lại thành giọt và rơi xuống gây mục thóc. Nếu kho thóc được lợp lá bên dưới và phủ tôn bên trên thì sẽ bền chắc và bảo vệ thóc và các nông sản tốt hơn. Chính vì vậy nên những nhà kho của người Cơtu tuy đơn sơ nhưng vẫn đứng vững yên bình theo năm tháng.

Nhà kho là nguồn sống của cộng đồng, nên từ xa xưa khi cho lúa vào kho hay ăn mừng cơm mới, người Cơtu không quên cúng tạ ơn mẹ lúa, hồn lúa đang trú ngụ nơi nhà kho để cầu mong no đủ, bình an. Bên cạnh đó, các làng Cơtu cũng đã ban hành ra những tục lệ hết sức nghiêm khắc để bài trừ kẻ xấu. Trong đó, nếu phát hiện người trong làng có hành vi trộm cắp tài sản thì sẽ bị phạt nộp trâu, bò, heo…, tái phạm nhiều lần sẽ bị đuổi ra khỏi làng.



Kho thóc của đồng bào dân tộc Cơtu thôn Đắc Ốc, xã La Dê, huyện Nam Giang(Quảng Nam)


Để tránh thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực đến mùa giáp hạt và giống má cho mùa sau, nhà kho của đồng bào bao giờ cũng được dựng lên cách xa làng, ngay sát bìa rừng. Để bảo vệ kho thóc khỏi bị chuột cắn phá, người Cơtu nghĩ ra một biện pháp ngăn chặn rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Trên mỗi cây cột, ngay sát sàn chứa thóc, người ta gắn thêm một thớt gỗ tròn. Thớt gỗ này ôm lấy cây cột. Chu vi thớt gỗ cách chu vi của cột từ 20 cm trở lên, mặt hướng xuống đất của nó hơi lõm vào. Chuột từ dưới đất theo cột gỗ kho thóc bò lên, gặp thớt gỗ nên chúng phải ngửa bụng bò ra để vượt qua thớt gỗ. Do mặt dưới của thớt gỗ nhẵn, lại lõm vào như lòng chiếc ô nên lũ chuột bị trọng lượng của nó kéo… rớt xuống đất. Mặc dù được dựng ngoài nương rẫy, không cần phải túc trực canh giữ thường xuyên nhưng nhờ thớt gỗ đã cản chân lũ chuột mà kho thóc của người Cơtu không bị chuột phá hoại.

Được biết, ngoài kho thóc cá nhân của từng hộ gia đình ra thì hiện nay các làng người Cơtu ở huyện Nam Giang(Quảng Nam) cũng đã thành lập kho thóc cộng đồng. Mỗi hộ dân trong làng đều đóng góp thóc dự trữ khi mùa mưa bão hay vào dịp giáp hạt để khi cần giúp đỡ cho những hộ gặp khó khăn, hoạn nạn./.

Tác giả: Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sơn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết