Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nhuộm chàm trên nền vải thổ cẩm Cơ tu

Trong màn sương sớm bao trùm cả những ngôi nhà sàn trên vùng cao phía tây Quảng Nam, chúng tôi vẫn nhận ra rất riêng trang phục của tộc người Cơtu với màu chàm trong nếp trang phục truyền thống và nó đã góp phần tạo nên độc đáo trên nền thổ cẩm Cơtu.

Được biết, dân tộc Cơtu là một trong số ít các dân tộc ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề trồng bông, dệt vải đã có từ rất lâu đời. Tất cả phụ nữ Cơtu đều biết dệt thổ cẩm từ khi mới hơn mười tuổi, những thiếu nữ Cơtu lớn lên sau đó cũng học nghề dệt thổ cẩm để tự dệt những sản phẩm phục vụ cho gia đình. Mỗi nhà có từ 2-3 khung dệt. Bên cạnh dệt vải, phụ nữ Cơtu nào cũng biết nhuộm chàm(tăm), nên nhà nào cũng nhiều ché đựng chàm để nhuộm sợi vải để dệt nên những adoót(áo ngắn tay), hđooh(váy ngắn), chrờ dhu(váy dài), xà lùng, xờ nát(yếm) đến g’hul(khố) của đàn ông thanh niên Cơtu hay tấm aduông và k’con(tấm địu con)... 


Phụ nữ Cơtu ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang với qui trình đốt vỏ ốc để lấy bột tạo thành hổn hợp để nhuộm chàm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phụ nữ dân tộc Cơtu huyện miền núi Nam Giang(Quảng Nam), không chỉ giỏi dệt vải thổ cẩm, với khối óc và đôi bàn tay của mình, thì việc tạo màu cho sợi là khâu quan trọng để làm nên sắc màu truyền thống trên vải thổ cẩm. Kỹ thuật nhuộm chàm, đã biến những sợi bông trắng thành màu chàm khó ai sánh được. Do vậy, mà việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết của riêng phụ nữ dân tộc Cơtu. Trong các nguyên vật liệu được đồng bào dùng để chế biến thuốc nhuộm vải, thì cây Tà râm là loại cây mọc rất nhiều trong rừng, để đồng bào Cơtu dùng thân, lá của nó để chế biến nên màu chàm.

Sau khi thu hoạch bông, đem đi phơi nắng cho thật khô rồi mới mang ra quay tơ kéo thành sợi. Thời gian này, phụ nữ Cơtu vào rừng tìm cây tà râm đem về giã nát, rồi ngâm với nước trong ché khoảng 5-7 ngày, thì vắt bã đi lấy nước cốt. Thứ đến, là ốc ở khe suối một nguyên liệu được bà con sử dụng để nhuộm chàm. Sau khi ăn ốc xong, bà con dùng củi đốt vỏ ốc lấy tro. Bí quyết để có sợi đều màu và đẹp, một thứ nữa góp phần tạo nên màu chàm đó là bắp trồng trên rẫy khi già thu hoạch về bà con rang hạt bắp cho cháy đen rồi dùng cối giã nhỏ trộn với vỏ ốc giã mịn, rồi đem trộn đều với nước của cây tà râm, rồi dùng vải dày lọc bỏ hết cặn đi. Tùy thuộc vào số lượng sợi vải cần nhuộm, mà sợi bông đem ngâm vào ché. Lấy sợi bông vừa xe còn nguyên màu trắng đem ngâm vào ché nước hổn hợp để biến sợi thành màu chàm. Chỉ sau từ 9-10 ngày, thì cả ché nước chàm nhuộm sợi đã dậy lên một mùi thơm dễ chịu. Để biết được sợi vải đã thấm đều hay chưa, người Cơtu chỉ cần múc một lượng nước chàm nhỏ trong ché soi lên ánh sáng, nếu thấy có độ vàng trong và bọt sủi đều thì vắt sợi đem ra nắng phơi cho khô. Sợi khi nhuộm xong, sẽ có màu xanh đen, làm cho vải thổ cẩm của đồng bào có màu đẹp, sắc nước được giữ lâu bền. Khi giặt, màu chàm của sợi bông không phai. Từ đây, có thể kéo sợi cho vào khung và dệt.



Bà Pơling Pá(78 tuổi), dân tộc Cơtu ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang(Quảng Nam), với công đoạn nhuộm sợi chàm vừa lấy ra từ ché và sợi chàm nhuộm sau đó được bà Pơling Pá đem phơi khô

Theo đó, một ché nước chàm nhuộm sợi không đơn thuần chỉ là một ché nước có màu chàm là được. Nếu không tuân thủ theo quy trình thì nhuộm sợi nó sẽ không ra màu mà sợi sẽ bị hỏng. Theo quan niệm của người Cơtu thì, những người phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tham gia quá trình tạo màu chàm và nhuộm sợi này. Phụ nữ dân tộc Cơtu cả đời vì không biết pha chàm, nên màu áo của họ khi dệt xong lúc nào cũng như màu lông con quạ. Chỉ có vậy, thì màu chàm trên trang phục thổ cẩm của người Cơtu mới bền và chắc làm đẹp cho cuộc sống của cộng đồng.

Chúng ta có thể nói rằng, việc nhuộm sợi chàm cũng như giá trị thẩm mỹ của những gam màu và hoa văn trên nền thổ cẩm trang phục dân tộc Cơtu là sự tích góp, thâu nhận, chuyền tải những tinh hoa, trí tuệ qua nhiều thế hệ của tổ tiên, ông bà Cơtu từ xa xưa để lại. Nghề nhuộm sợi chàm trên thổ cẩm này, đòi hỏi người phụ nữ Cơtu phải có sự kiên nhẫn và lòng ham học hỏi, chính vì thế không phải ai muốn học cũng được.

Đến nay, người ta biết đến tộc người Cơtu huyện miền núi Nam Giang, còn bảo lưu được một cách tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề nhuộm sợi chàm trên trang phục thổ cẩm, giữ gìn cho đến ngày nay. Nghề nhuộm sợi chàm thật sự gần gũi, hòa quyện với cuộc sống không gian của đất trời giữa bao la của đại ngàn Trường Sơn đã đem lại cho người Cơtu huyện vùng cao Nam Giang(Quảng Nam), những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình sản xuất đã được lưu giữ từ nhiều đời nay, mà không mấy dân tộc nào trong vùng có thể làm được./. 


Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết