Theo quan niệm của người Cơtu, muốn chế tác được c’dool thì làng đó phải tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, ăn mừng Gươl, ăn mừng được mùa, lễ tết...Khi đâm trâu ăn mừng xong, những người già có kinh nghiệm chọn sừng của con trâu đực đó nếu không thận trọng chọn lựa, sẽ gây không ít xui xẻo cho người trong làng. Đây là loại nhạc cụ chỉ được già làng sử dụng vào công việc hệ trọng của làng như: gọi thần linh, tổ tiên và ông bà Cơtu về vui hội cùng dân làng, báo tin thú dữ về làng phá hoại, báo tin mưa bão hoặc có sự xung đột từ bên ngoài... để dân làng biết, những người trẻ không nằm trong Hội đồng già làng thì không phải bất cứ ai cũng có thể thổi loại nhạc cụ này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Cơtu vùng cao Nam Giang gọi nhạc cụ này là c’dool, còn người Cơtu vùng thấp gọi nhạc cụ này là Loát. Dù tên gọi có khác, nhưng nhạc cụ này của người Cơtu được làm bằng sừng trâu, dài khoảng 30-50cm. Ở giữa thân sừng trâu, đục một lỗ hình chữ nhật dài, bỏ lưỡi gà để làm lỗ thổi. Lưỡi gà này được làm bằng thân cây đót già lấy trong rừng sâu, chặt ra, phơi khô, mang về làm, bởi nó làm cho tiếng kêu vang vọng và rất chắc, để lâu đời cũng không suy suyễn gì. Người Cơtu vùng thấp huyện Nam Giang(Quảng Nam), thay vì dùng thân cây đót già, họ dùng một miếng đồng mỏng làm lưỡi gà gắn vào để thổi, họ gọi là bhơ lưa. Với nhạc cụ này, người thổi c’dool không chỉ đơn giản là người biết thổi, mà phải là người có sức vóc, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận êm ấm. Mỗi làng chỉ chọn được một già làng có uy tín để thổi nó mỗi khi làng có lễ hội.
Già làng Cơtu thổi c’dool để mời thần linh, ông bà về dự trong lễ của làng
Theo quan niệm của người Cơtu, trong những ngày bình thường thổi c’dool là một điều tuyệt đối cấm kị. Nếu không có đâm trâu, mà nhà nào thổi c’dool, tức là đã mang đến xui xẻo cho buôn làng. Bởi rằng thần linh sẽ về và không thấy lễ hội gì sẽ nổi giận, trừng phạt người trong làng. Đã có không ít trường hợp do không biết thổi thổi c’dool vào ngày bình thường mà không phải lễ lạc gì, thì lập tức người trong làng đổ về và bắt phạt. Nếu ở buôn làng trong tháng đó có người chết, người đau ốm, thì nhất định, người thổi thổi c’dool sẽ bị bắt bồi thường vì người dân một mực cho rằng đó chính là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh đó. Phong tục ấy, người dân Cơtu không ai dám phạm phải. Vì vậy, tuyệt nhiên không ai trong làng tự chế tác c’dool để ở nhà thổi, trong mỗi làng chỉ có một cái để dùng vào các dịp lễ hội truyền thống của làng, hay Tết đến xuân về.
Chúng tôi có dịp đến các xã trong huyện Nam Giang(Quảng Nam), nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống, được biết c’dool đây là loại nhạc cụ cổ xưa do tổ tiên người Cơtu chế tác và truyền lại cho từng dòng họ. Hiện nay c’dool vẫn được người Cơtu sử dụng nhiều, nhưng số người còn biết thổi c’dool không nhiều. Tuy nhiên, lớp trẻ Cơtu bây giờ không mặn mà với âm nhạc của tổ tiên, ông bà người Cơtu nữa. Kiếm được một người để thổi c’dool không phải chuyện đơn giản. Không chỉ thổi cho đúng bài bản, mà phải thổi sao cho ngân nga, lay động cả núi rừng, cảm động cả thần linh, ông bà tổ tiên Cơtu. Tôi nghĩ c’dool là một trong những điều kì diệu của người Cơtu, nó bổ trợ rất nhiều cho cuộc sống của dân làng. Nếu mai này loại nhạc cụ truyền thống này mai một, hình ảnh đó dần dần bị chìm khuất vào sự lãng quên.../.