Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nhạc cụ đinh tút của người Tà Riềng

Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, có rất nhiều các tộc người dân tộc thiểu số có đời sống tinh thần phong phú với những nét văn hóa đặc sắc đã làm nên những nét riêng của dân tộc mình. Trong số đó có người Tà Riềng - một tộc người định cư rất lâu đời trên vùng biên giới Việt-Lào, sống tập trung ở phía tây huyện Nam Giang-Quảng Nam.

Giữa bốn bề núi non trùng điệp, thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, giữa cuộc sống mưu sinh bám trụ bên những non cao bao gian truân vất vả, bao thăng trầm khốn khó người Tà Riềng ở vùng cao Nam Giang đã xem âm nhạc như là vũ khí tinh thần để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, để chống chọi với bao khắc nghiệt nơi đại ngàn hoang vu. Âm nhạc là niềm vui, là tiếng hát ngân nga, là lời ru bên nương ấm áp vun vén cho kho tàng nghệ thuật phong phú của mình. Trong kho tàng nghệ thuật ấy, không thể thiếu đi những nhạc cụ dân tộc gắn bó với họ, một trong số đó là đinh tút. Đinh tút là loại nhạc cụ gắn với cả cuộc đời của mỗi người Tà Riềng. Họ sinh ra trong tiếng đinh tút chào mừng, họ cưới nhau trong tiếng đinh tút chia vui và trở về với núi rừng cũng trong tiếng đinh tút đầy thương tiếc…

Cũng như những dân tộc thiểu số khác đang sống tại Nam Giang. Người Tà Riềng có đời sống tinh thần rất phong phú. Với những lễ hội mang tính dân gian như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cúng thần linh, lễ hội đâm trâu, sinh hoạt cộng đồng bên nhà gươi… mỗi một lễ hội, mỗi một hoạt động mang tính dân gian ấy không thể thiếu đi âm nhạc truyền thống của mình. Nét độc đáo của âm nhạc người Tà Riềng đã khẳng định được những giá trị cao về nghệ thuật mà đặc trưng nhất là hệ thống các nhạc cụ thuộc bộ hơi. Tất cả được làm từ ống nên được gọi là đinh. Trong hơn 10 loại nhạc cụ họ đinh, đinh tút là nhạc cụ được cho là hay nhất, được sử dụng phổ biến nhất của người Tà Riềng. Lễ hội lớn nhất của người Tà Riềng là lễ mừng cơm mới. Ngoài phần lễ, biểu diễn đinh tút là một phần sinh hoạt văn hóa rất quan trọng. Trong lễ hội, sáu tràng trai trong trang phục đẹp nhất sẽ là những nghệ sỹ thổi đinh tút.

 Đời sống tự túc của người đồng bào Tà riềng đã giúp họ làm ra những vật dụng cần thiết cho cuộc sống để chống chọi với đại ngàn hiểm trở. Trong nghệ thuật âm nhạc của họ cũng vậy, họ muốn tạo ra tiếng nhạc, tiết tấu riêng của mình họ đã tìm đến núi rừng để tạo ra những nhạc cụ dân tộc riêng cho mình. Bộ đinh tút cũng vậy, muốn có được bộ đinh tút hay, cần phải có người am hiểu và chọn những cây nứa tươi đạt chuẩn, cắt thành sáu ống với độ dài ngắn khác nhau, một đầu được mức nhọn, đầu kia để trống, mỗi ống tương đương với mỗi nốt nhạc…Ống thứ nhất gọi là Piưng, ống thứ hai gọi là Pi Rớt, hai ống Hồdếch và hai ống còn lại gọi là ống Chếc. Những chiếc ống được hoàn thành tạo nên những nốt nhạc riêng của bản nhạc đinh tút được người dân truyền tay nhau sử dụng và lưu truyền cách làm cho các thế hệ sau.

Vào những dịp lễ hội, khi tiếng đàn, tiếng chiêng được tấu lên, các tràng trai cô gái bắt đầu trình diễn đinh tút trong niềm vui của dân làng. Những người con gái sếp thành vòng tròn bên cây nêu hay quanh ngọn lửa hồng, múa theo nhịp thổi của các chàng trai. Tiếng đinh tút trầm bỗng, nhanh, chậm khác nhau phụ thuộc vào nội dung của bài múa và nhịp nhàng cùng với trống, chiêng nhân vang. Việc thổi đinh tút không hề đơn giản vì khi thổi đinh tút, người thổi vừa di chuyển vừa thổi, một tay giữ ống, tay còn lại vỗ đầu kia để nén khí tạo ra âm thanh. Người thổi phải khéo léo vừa phải điều tiết bước chân theo nhịp trống, vừa phải vỗ nhịp nhàng cho hơi nén trong ống vừa đủ để tạo ra âm vang vừa đủ và ngân vang.  Hòa theo tiếng đinh tút, những cô gái múa theo nhịp thổi rất dịu dàng và uyển chuyển.

Đinh tút là nhạc cụ mang tính cộng đồng rất cao biểu hiện qua số người tham gia. Để sử dụng một cách nhuần nhuyễn cần phải có sự phối hợp hài hòa trong toàn đội. Người đi trước thổi ống Piưng được coi là nhạc trưởng, tất cả từ nhịp điệu, tiết tấu từ ống này phát ra. Tất cả các thành viên trong đội phải xướng theo, đội múa cũng vì thế mà diễn theo cho phù hợp. Ngoài ra người Tà Riềng còn biết kết hợp với cồng chiêng và một số nhạc cụ khác tạo thành một bản nhạc vừa mang tính kế thừa vừa mang tính giao thoa giữa các loại nhạc cụ của các dân tộc với nhau.

Theo các già làng, người Tà Riềng có 8 bài múa đinh tút, mỗi bài gắn với một ý nghĩa nhất định, nhịp điệu và vũ đạo cũng khác nhau. Người Tà Riềng xem đinh tút là một phần trong cuộc sống của mình. Từ trẻ con đến người lớn đều phải biết thổi đinh tút. Họ thổi trong hội làng, thổi ngay trên rẫy trong những lúc nghỉ ngơi.

Sự khác biệt giữa tiết tấu của đinh tút và vũ đạo đã tạo ra những nét riêng cho mỗi bài múa. Ngôn ngữ múa mà các nghệ nhân thể hiện tính tinh tế và đa dạng. Sự cách điệu trong các động tác thể hiện và sự di chuyển hợp lý tạo ra đội hình rất đẹp và hiệu quả biểu đạt rất cao. Đội hình múa thường xuyên thay đổi, có khi là vòng tròn, có khi di chuyển thành hai hàng ngang, hàng dọc và có khi tạo thành đôi một. Dù thường xuyên thay đổi nhưng cuối cùng đội hình vẫn trở về lại vòng tròn, bởi người Tà Riềng quan niệm rằng, vòng tròn thể hiện sự đoàn kết của cả cộng đồng.

Là một trong những cộng đồng dân cư có nguồn gốc từ Lào, người Tà Riềng ít nhiều còn lưu giữ  những nét văn hóa của dân tộc Lào. Những động tác múa có những chi tiết giống điệu múa Lăm Vông, những động tác cuối đầu, chắp tay trước ngực chào khách, một số phong tục tập quán, thể hiện khá rõ nét.

     Trong quá trình sinh sống từ rất lâu trên vùng núi cao Nam Giang, người Tà Riềng đã tạo cho mình những nét văn hóa rất riêng. Những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn núi cao sừng sững đã bảo vệ con người Tà Riềng và đã bảo vệ văn hóa của cộng đồng trước sự tác động của xã hội. Dù biết bao thế hệ của người Tà Riềng đã đi qua nhưng tiếng đinh tút của các chàng trai sẽ mãi tiếp tục ngân nga giữa núi rừng hòa trong điệu múa dịu dàng của các cô gái là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Tà Riềng hôm nay.\.

Tác giả: Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết