Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Tục “ngủ duông” của người Cơ Tu, Quảng Nam

(Cinet – DTV) - Tục “ngủ duông” là sự hội tụ của những nét đẹp văn hóa độc đáo trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều người Cơ Tu sinh sống. Họ ở trong những bản làng nằm lưng chừng những dãy núi cao của dải Trường Sơn hùng vĩ, ở đó vẫn còn lưu giữ những phong tục độc đáo, trong đó có tục "ngủ duông”.

Các lễ hội là dịp để con trai, con gái Cơ Tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”.

Vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, khi lúa đã được thu hoạch đưa vào kho, cùng lúc trên khắp các bản làng Cơ Tu, từ vùng cao, vùng trung và vùng thấp tưng bừng tổ chức lễ ăn mừng lúa mới và cũng dịp để con trai, con gái Cơ Tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”.

Trong những công việc nương rẫy, hay đi chơi ở nhà bạn bè, người thân hay vào dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng như: Lễ ăn mừng được mùa, lễ ăn mừng nhà Gươl, lễ ăn mừng lúa mới, lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu với nhau)..., nam nữ Cơ Tu tìm đến nhau lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Và để làm được việc này, người con trai làm nhà “ngủ duông”.

Nhà “ngủ duông” được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này đều được cả làng đều biết. Chính vì chỉ ngủ và tâm sự thôi nên người con trai có thể “ngủ duông” với cô gái trong 5 tối, 10 tối hoặc cả tháng thậm chí hơn nữa, và có thể “ngủ duông” với nhiều người con gái.

Con trai và con gái Cơ Tu bắt đầu “ngủ duông” ở lứa tuổi mới lớn, khoảng từ 13 đến 14 tuổi. Theo phong tục cổ truyền, để được “ngủ duông” với cô gái, người con trai phải mang đồ lễ cho cha mẹ cô gái nào là hạt cườm, vòng mã não, vòng đeo cổ... Có trường hợp, cô gái không thích “ngủ duông” với người con trai nhưng cha mẹ cô gái đã nhận đồ lễ vật của nhà trai thì cô gái vẫn phải “ngủ duông” với con trai đó. Người con trai đến “ngủ duông” với con gái chỉ được phép tâm sự và hôn vào môi hoặc có thể sờ vào “bầu sữa” của cô gái, ngoài ra không được làm gì khác.

Luật tục Cơ Tu cũng quy định rất rõ và nghiêm khắc trừng trị những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và có thai trước khi cưới. Tùy vào mức độ vi phạm, chàng trai bị phạt rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng hoặc làng bắt người con trai đó phải giết lợn, có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn. Đôi khi họ phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc.

Trong khi đó, cô gái sẽ chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời, hình phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây cho nên trai gái Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.

     Tục "ngủ duông" của người Cơ Tu là sự hội tụ của những nét đẹp văn hoá đặc sắc còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu. Và với yếu tố này, vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có nghĩa giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời.

Tác giả: TH

Nguồn tin: CiNet - DTV

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết