Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Độc đáo nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ Tu

Cũng như bao dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đồng bào dân tộc Cơ tu rất quý trọng và tôn kính hai chữ “đất, làng”. Không biết từ bao giờ họ đã coi trọng từng con sông, ngọn núi , nơi đã che chở và nuôi dưỡng cả cộng đồng, họ biết qúy trọng, tôn kính và xem nơi ở của Làng là một nơi thiêng liêng, vừa huyền bí vừa gần gũi . Từ đó những người Cơ tu huyện Nam Giang nói riêng và cộng đồng người Cơ tu nói chung đã hình thành nên một nghi thức “ cúng đất, lập làng” nghi thức Lễ này luôn được cộng đồng người Cơ tu Tỉnh Quảng Nam bảo tồn và lưu giữ nguyên bản qua hàng trăm năm. Đây là nét đẹp và độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ tu.

Việc chọn đất lập làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại hay suy vong của cộng đồng, cho nên, nghi lễ này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Cơ tu. Mảnh đất được chọn phải hội tụ đủ các yếu tố: Có nguồn nước ổn định để sinh hoạt, trồng tỉa các loại hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc bố phòng ngăn chặn thú rừng cũng như các yếu tố xung đột từ bên ngoài...

Nghệ nhân ưu tú Bling Hạnh, thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang cho biết:  Ngày xưa có một làng dân tộc người Cơ tu gặp chuyên không may do thiên tai, dịch bệnh, nhà cháy, người dân trong làng luôn gặp nhiều điều không may xảy ra trong một thời gian dài, dân làng rất hoang mang lo sợ. Khi ấy nhiệm vụ của làng là phải di dời, tìm ra vùng đất mới để đưa làng tới an cư lập nghiệp. Công việc lập làng quyết định sự tồn vong của làng nên thường được giao cho Già làng có nhiều uy tín nhất trong làng. Già chủ làng tập hợp các già làng trong bản hỏi ý kiến thống nhất tìm đất lập làng mới, sau khi tiếp thu ý kiến của các già làng trong bản, chủ già làng suy nghĩ quyết định chọn nơi đất mới… nơi mà hội tụ đủ điều kiện nước sạch, có không khí trong lành, nơi có đất đai màu mở để phát triển kinh tế gia đình. Tất cả các già làng thống nhất thì việc di dời làng mới được thực hiện. Lý tưởng nhất là mảnh đất lớn bốn phía không có núi che khuất, đất tốt, có khả năng trồng trọt các loại hoa màu, bởi theo quan niệm, khi chưa có đất chính thức thì chỉ dùng rựa giả phát dọn tạm thời, sau đó mới quyết định địa điểm cúng chính thức.


ảnh: Tái hiện nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ tu

Bắt đầu nghi lễ cúng làng mới, già làng và các trưởng tộc mặc áo làm bằng vỏ cây (để thể hiện sự gần gũi với núi rừng, với trời đất, với thần linh) ngồi vòng tròn và vẽ xuống đất hình chữ U theo nghi thức một bên thân đất thân trời, một bên con người của làng. Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, già làng vẽ hình cánh cung xác định vị trí của ngôi làng, rồi lần lượt phân chia từng điểm dựng nhà, khu vực gươl để dân làng nhận biết. Sau đó cả làng bắt tay vào việc dựng làng mới. “Sau khi làng mới được lập nên, các trưởng tộc thực hiện thủ tục cúng nhà, cúng Gươl. Con heo sống được chọc tiết, rồi lấy máu bôi lên các ngôi nhà và lên từng người trong làng. Còn thịt heo được dân làng chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người cùng quây quần mừng có được làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng” Ông Hạnh chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân ưu tú Blinh Hạnh, với tộc người Cơ tu, họ có nhiều cách chọn đất lập làng, một trong những cách đó là chọn đất bằng lửa và cây đót. Sở dĩ làng chọn cây đót, vì cây đót khi đốt lên sẽ cháy nhanh hơn và phát ra tiếng nổ xé nghe rất rõ, dễ nhận biết. Già chủ làng đưa hộp đá lửa và cây đót, hai người cầm đá lửa, hai người cầm lửa cháy mà thui cây đót. Khi đốt lửa, già chủ làng kêu trời, gọi đất, thần linh ông bà tổ tiên người Cơ tu xin cho dân làng được chỗ ở mới, nhà cửa ổn định, yên bình, không gặp rủi ro, bất hạnh. Cây đót cháy, tiếng nổ của cây đót xé ra làm cho ma quỷ thua, dân làng chiến thắng. Cũng trong lúc này, dân làng hú to thể hiện niềm vui mừng, sự thành công của việc chọn đất lập làng.

Trong quá trình thực hiện nghi lễ để chọn đất lập làng cũng như sau khi mảnh đất đã được chọn mà gặp phải những điềm xấu như cây ngã, giông, sét đánh, khỉ kêu, đi gặp thú chặn đường... thì sẽ phải bỏ mảnh đất đó mà đi tìm lại mảnh đất khác. Ông Hạnh cho biết:


Già làng tuyên truyền về mục đích của việc chọn đất lập làng mới

Sau khi làng mới được lập nên, các trưởng tộc thực hiện thủ tục cúng nhà, cúng Gươl. Con heo sống được chọc tiết, lấy máu bôi lên các ngôi nhà và lên từng người trong làng, thịt heo được chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người quây quần bên nhau mừng có làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng. Sau khi nghi lễ hoàn tất, mọi người cùng nhau hát lý, cùng nhau đánh trống, đánh chiêng, múa theo làn điệu mừng làng, mừng nhà mới. Cả dân làng hòa nhịp cùng tiếng chiêng, mừng làng mới, mừng dân mình nhà mới Cầu thần linh dân làm ăn tiến tới Cuộc sống ôn hòa, nương rẫy tốt tươi

Theo bà Lê Thị Lệ Thủy- Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang: Nghi thức cúng đất lập làng là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Cơ tu trên địa bàn huyện và để bảo tồn những giá trị truyền thống của địa phương, những năm gần đây, huyện Nam Giang đã chủ trương vận động những già làng, nghệ nhân lưu truyền lại những giá trị tốt đẹp của nghi thức chọn đất lập làng để tuyên truyền cho con cháu tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc tốt đẹp của đồng bào, và mới đây, nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ tu tiếp tục được tỉnh Quảng Nam chọn huyện Nam Giang tham gia tái hiện lại nghi thức cúng đất lập làng tại Ngày hội giao lưu VH-TT&DL vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3 năm 2022 vừa diễn ra tại tỉnh Điện Biên.

Tuy hiện nay, việc di canh di cư không còn, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, nhưng nghi thức cúng đất lập làng vẫn được cộng đồng người Cơ tu và các già làng, người uy tín ghi chép lại nhằm giữ gìn và bảo tồn nét độc đáo trong nghi thức cúng đất lập làng của thế hệ cha ông để lại.



Tác giả: Văn Thủy

[Trở về]

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết