Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Mùa xuân và nỗi nhớ R’dáo

Hằng năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về mỗi gia đình Cơtu vùng núi Quảng Nam(từ người Cơtu vùng cao(Cơtu đ'riu), người Cơtu vùng trung (Cơtu nal) và người Cơtu vùng thấp(Cơtu phương) thuộc ba huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang dù nghèo hay giàu thì ước muốn đi R'dáo 1 lần trong năm để thăm viếng lẫn nhau là ước nguyện mà nó còn thể hiện tình cảm sâu đậm là cầu nối tình cảm thân thiết trong cộng đồng dân tộc Cơtu với nhau…

Theo già làng Cơtu Bh’ling Hồng, 77 tuổi hiện đang sống tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: R'dáo thường đi kèm với điều kiện kinh tế của gia đình. Gia đình giàu có thì một năm đi từ 2 đến 3 lần, còn nhà nghèo thì đợi vào mùa xuân khi năm cũ đã hết, ngày Tết để thăm hỏi giữa cha mẹ, anh em trai với con gái hoặc chị, em gái đã đi lấy chồng xa ở các làng khác, lâu ngày chưa gặp, nổi nhớ nhung. Người Cơtu gọi là R'dáo. R'dáo có từ lâu đã ăn sâu vào trong đời sống của cộng đồng dân tộc Cơtu.


Gói bánh cuốc chuẩn bị thực phẩm cho mùa R'dáo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mùa R'dáo thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm (theo lịch người Cơtu) trùng với dịp Tết Nguyên đán. Mỗi lần đi R'dáo, nhà gái phải chuẩn bị những đồ ăn, thức uống nhưng R'dáo thường không phô trương như đám cưới. Trước khi đi, những người con rể, anh em trai nhà gái vào rừng ngủ đêm để săn bắt thú, đánh bắt các loại cá dưới suối, dưới sông bằng lưới hoặc bằng các xiên nhọn, bắt ếch bằng đuốc. Những người đàn bà trong các gia đình thì lo chăm nuôi các con heo, con gà, vịt. Các con gái thì cùng rủ nhau đi hái măng tận trong rừng sâu, hoặc trông nom những con heo và lo lấy nếp của lúa mới trên nhà kho(Crrăng) xuống đem giả để nấu xôi, rồi bới ra trong những cái rổ, sau đó gói xôi vào trong ba, bốn tấm lá chuối vuông hoặc gói thành những gói hình tam giác mà đồng bào quen gọi là bánh cuốt (avị cuốt). Tùy thuộc ở họ hàng, anh em, bà con thân thuộc đông hay ít và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà làm bánh, hay nấu xôi hoặc lo nhiều thực phẩm heo gà, vịt...nhiều hay ít. Xong, họ cho khoảng 20 đến 30 gói xôi và 40 đến 50 bánh cuốt, những gói cá, ếch, thịt heo...như vậy vào trong một, hoặc hai cái gùi. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, bố mẹ, an hem trai nhà gái đi đến nhà con gái, chị hoặc em gái. Nếu gần thì đi vào buổi chiều, ở những làng khác xa hơn thì họ đi vào sáng sớm cho kịp để thăm viếng các con gái họ. Đôi khi, có những chuyến đi dài ngày để thăm dòng họ hoặc bà con thân thuộc có chồng làm ăn sinh sống ở tận bên nước bạn Lào anh em.


Và mỗi mùa R'dáo là dịp để họ gặp hỏi thăm sức khoẻ, công việc đồng án và chúc nhau những điều tốt lành

Mỗi lần đi R'dáo, nhà gái phải chuẩn bị những đồ ăn, thức uống, thực phẩm đã chuẩn bị trước đó nào là: heo, gà, vịt, cá, thịt khô của các con thú săn bắt được trên rừng, những con ếch, măng đến việc lấy nếp của lúa mới trên nhà kho xuống đem giả để nấu xôi, làm bánh cuốt (avị cuốt)... Tùy thuộc ở họ hàng, anh em, bà con thân thuộc đông hay ít và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà làm bánh, hay nấu xôi hoặc lo nhiều thực phẩm heo gà, vịt...nhiều hay ít. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, họ cho vào trong một hoặc hai cái gùi và bố mẹ, anh em trai nhà gái đi đến nhà sui gia để thăm con gái, chị hoặc em gái có chồng ở đó. Nếu gần thì đi vào buổi chiều, ở những làng khác xa hơn thì họ đi vào sáng sớm cho kịp để thăm viếng các con gái họ. Đôi khi, có những chuyến đi dài ngày để thăm dòng họ hoặc bà con thân thuộc của mình đã có chồng và làm ăn sinh sống ở tận bên nước bạn Lào anh em.


Chị em người Cơtu gặp nhau qua chuyến đi R'dáo

Già làng Bhling Hồng cho biết thêm: Theo phong tục truyền thống, mỗi lần đí R'dáo như thế nhà gái không bao giờ báo cho nhà trai(sui gia) nơi có con gái họ làm dâu biết trước, vì nói trước sợ làm con gái hoặc chị em mình buồn. Khi đến nhà sui gia, bố mẹ hoặc anh em vợ sẽ được anh hoặc em rễ bên nhà trai niềm nở đón tiếp, người Cơtu gọi là víih ch'na.

Tối đến, nhà trai mời họ hàng thân thích về nhà mình quay quần bên mâm cơm cùng cha mẹ hoặc anh em trai bên nhà gái ăn và uống rượu tàvạt, rượu cần. Bắt đầu từ mâm cơm ấy, hai bên gia đình có những câu hát lý hỏi thăm sức khỏe, công việc nương rẫy, những lời khuyên bảo con cháu, những lời chí tình đạt ý cũng được mọi người đối đáp với nhau.


Người Cơtu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang chuẩn bị cho chuyến đi R'dáo vào mùa xuân năm Ất Sửu-2009

Theo quan niệm của người Cơtu, nhà gái khi ăn thì không bao giờ ăn những thứ của mình đem đi biếu chẳng khác nào đem về lại nhà mình. Còn phía nhà trai, khi làm heo, gà,vịt…để chiêu đãi nhà gái thì không bao giờ ăn những thứ của mình. Đêm về khuya, bếp lữa nhà sàn càng thêm ấm hơn mọi người càng uống rượu và hát lý đối đáp với nhau nhiều hơn, ai nghe được thì trả lời, còn không thì ngồi nghe hát…


Mùa R'dáo, còn là dịp để họ có dịp thăm viếng mộ người thân  

Mỗi lần đi R'dáo thì cha mẹ, anh em trai bên nhà gái đi R'dáo chỉ ở qua một đêm. Khi tiếng gà trong làng cất tiếng gáy canh ba, báo hiệu một ngày mới bắt đầu lại về trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên bao la và rộng lớn này thì cũng là lúc mọi người cùng đứng dậy ra về với lời chào thân thiết và những lời gọi mời. Con gái tiển cha mẹ, anh em trai mình ra tận con dốc đầu làng và chờ một mùa R'dáo năm sau.

Ngày nay, do nhu cầu làm ăn xa, đường sá thuận lợi nên nhiều người thân thuộc cũng có cơ hội gặp nhau. Đó cũng là quy luật của R'dáo mà chỉ ở đồng bào dân tộc Cơtu vùng núi Quảng Nam mới có. Người Cơtu có câu nói rất hay: " Nếu ánh sáng mà chúng tôi thấy không rõ, nó trở nên mờ. Đường không có ai đi, cỏ sẽ mọc đầy". Câu nói ngụ ý: “ Truyền thống, phong tục đẹp nếu không giữ, chúng sẽ mất đi”./.
Nha khoa Thành An

Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết