Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nam Giang – Vùng cứ hậu quan trọng góp phần giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng

Nam Giang là huyện miền núi có địa bàn chiến lược quan trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương xây dựng thành huyện căn cứ địa, hậu phương cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Nam Giang (24/4/1965-24/4/2015) chúng tôi xin giới thiệu một số sự kiện lịch sử của huyện- vùng hậu cứ quan trọng, góp phần giải phóng Quảng Nam- Đà Nẵng

Đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1965, hưởng ứng chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi do Tỉnh ủy Quảng Đà phát động, quân và dân Nam Giang tiến hành phương án tiến công cứ điểm Coong Zêl. Lực lượng của huyện gồm 1 đại đội và du kích các xã Chà Vàl, Đắc Pring, Đắc Tôi, Tà Pơ, Coong Năng. Nhiệm vụ chủ yếu là tham gia bao vây, đánh lấn, bức rút địch, bám sát, bắn tỉa, lập vành đai chông thò, kể cả mìn tự tạo vây quanh đồn. Chốt điểm Coong Zêl bị cô lập, thiếu lương thực, dẫn đến hoang mang cực độ. Tiếp đến, ngày 20 tháng 4 năm 1965, bộ đội địa phương huyện tổ chức đánh tập kích mạnh bằng hỏa lực vào đồn, kết hợp với dùng loa kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng. Hoảng sợ trước khí thế mạnh mẽ của phong trào cách mạng, mặt khác do bị bao vây, cô lập hoàn toàn ở giữa núi rừng, nên ngày 24 tháng 4 năm 1965, chúng vội vã cho hàng chục chiếc trực thăng đổ xuống Coong Zêl bốc quân rút chạy về xuôi, chốt điểm cuối cùng của Mỹ- Ngụy trên núi rừng Nam Giang bị xóa bỏ, huyện Nam Giang hoàn toàn giải phóng và trở thành vùng hậu cứ vững chắc của chiến trường Quảng Đà.

Năm 1965, do yêu cầu chiến trường ngày càng được mở rộng, đường hành lang Bắc- Nam từ Tây Giang, Đông Giang qua Nam Giang vào Phước Sơn được nối liền. Chức năng, nhiệm vụ từ đường lưu hành bưu chính, đưa đón khách qua lại, nay làm thêm nhiệm vụ vận tải, tiếp tế hậu cần, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men, làm kho tàng  bảo quản, cấp phát cho các đầu mối. Nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng ngàn ngày công và lương thực, thực phẩm phục vụ hành lang. Với những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, quân và dân Nam Giang từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã góp phần đưa phong trào cách mạng miền núi ngày càng phát triển, xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh Quảng Nam, của khu V. Cũng vào thời gian này, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại hoàn toàn, chúng tiếp tục đưa cuộc chiến tranh lên mức độ cao khốc liệt bằng “Chiến tranh cục bộ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy Quảng Đà về “Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, đánh bại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ”, phong trào đánh địch ở vùng miền núi Nam Giang phát triển mạnh mẽ, tiêu diệt nhiều toán biệt kích, đánh bại hàng chục cuộc càn quét của địch.

Từ tháng 8 năm 1966, địch mở các đợt rải chất độc hóa học, kết hợp với máy bay B52 rải thảm nhằm hủy diệt vùng hậu cứ của ta. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, với quyết tâm “Giặc đến ta truy ta diệt, giặc lui ta sản xuất, giặc phá 1 ta làm bằng 2, bằng 3”, tổ chức lễ ăn thề sống chết với nhau không rời bỏ quê hương. Huyện ủy chủ trương vừa đánh địch, vừa tập trung sức chống đói, cứu lạt muối, với tinh thần như “Cứu hỏa- cứu một trận cháy rừng” và xem đó là một nhiệm vụ chính trị lớn, cấp bách của Đảng bộ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn này, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện tập trung thực hiện 4 cao trào: (1) Cao trào động viên chính trị, lãnh đạo tư tưởng, ra sức củng cố tổ chức, chỉnh huấn tổ chức đảng cơ sở; (2) Cao trào xây dựng căn cứ vũ trang, đánh bại âm mưu tung biệt kích, thám báo, chống càn quét lấn chiếm của địch; (3) Cao trào sản xuất và bảo vệ sản xuất, bảo đảm nhân dân không đói và có mức đóng góp cho kháng chiến cao nhất; (4) Cao trào đi dân công phục vụ tiền tuyến, động viên thanh niên nhập ngũ vào bộ đội, thanh niên xung phong đạt vượt chỉ tiêu. Tham gia, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Đà đã góp phần cùng cả nước làm thất bại cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Có thể nói, đối đầu với cuộc chiến tranh khốc liệt, bằng sức mạnh đoàn kết, bằng ý chí, lòng tự hào, tin tưởng và quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Đảng bộ, quân và dân Nam Giang đã kiên cường trụ bám quê hương, chiến đấu quyết liệt, bền bỉ, dẻo dai, xứng đáng là vùng căn cứ, hậu phương vững chắc cho phong trào cách mạng chung của tỉnh nhà. Song với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách xâm lược, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực chất của chiến lược này là thay màu da trên xác chết, dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam. Được sự chỉ đạo của Đặc khu ủy và Ban cán sự miền Tây Quảng Đà, Huyện ủy Nam Giang đã đề ra một số biện pháp cấp bách như: Động viên chính trị, chỉnh huấn trong Đảng; tập trung cho sản xuất; tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và thôn, xã chiến đấu. Cũng trong thời gian này, phong trào nhận giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ miền Bắc, chia sẻ lương thực, tiếp nhận đỡ đầu, được phát triển mạnh mẽ ( nuôi trên 1.000 người của huyện Đông Giang sang tạm trú). Với những nỗ lực, cố gắng, quân và dân Nam Giang đã giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa ri về lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27 tháng 01 năm 1973.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động cách mạng ở miền núi, phục vụ cho các chiến dịch giải phóng đồng bằng, sau khi miền Tây Quảng Đà được giải phóng, Đặc khu ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng Đặc khu Quảng Đà đã chọn làng Mực làm nơi đóng cơ quan và đặt kế hoạch xây dựng Thạnh Mỹ- Bến Yên thành thị tứ, lấy tên đơn vị xã Hòa Bình, gồm 12 thôn (Mực, Tài Hoa, Dung, Pà Dương, Pa Đhố, Thạnh Mỹ, Gỗ, Pà Lanh, Đá Trắng, Đầu Gò, Thác Cạn, Đồng Chàm). Trong đó, Thạnh Mỹ và thôn Mực trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng. Đường Thắng Lợi bắt đầu khởi công xây dựng đến dốc Mực. Việc xây dựng tổ hợp tác lao động trên địa bàn huyện tiến triển mạnh, đạt được nhiều kết quả và được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Giải phóng hạng Nhất và được trao cờ “Quyết tiến, quyết thắng” vì có nhiều thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua “Bốn giỏi”.

Một kết quả khác đáng ghi nhận của vùng hậu cứ Nam Giang là phục vụ trực tiếp cho thắng lợi của chiến dịch tiêu diệt Chi khu quận lỵ Thượng Đức. Nhận Chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, Huyện ủy đã họp bàn triển khai nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Thượng Đức. Huy động ¾ cán bộ dân chính và nhân dân tham gia chiến dịch với nhiệm vụ làm đường vận chuyển, làm lán trại, khiêng thương, đưa đón đồng bào trong khu Thượng Đức lên sơ tán, đưa một số bộ đội địa phương và lực lượng dân quân du kích các xã tham gia chiến đấu. Chiến thắng Thượng Đức đã đánh một đòn mạnh vào quân ngụy, phá tung “Cánh cửa thép”, uy hiếp mạnh đến việc phòng thủ Quảng Nam- Đà Nẵng của địch lúc bấy giờ.

Vào những ngày đầu năm 1975, địa bàn Thạnh Mỹ trở nên nhộn nhịp cho nhiệm vụ phục vụ chiến trường. Suốt đợt tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, hầu hết cán bộ và nhân dân trong huyện đều sẵn sàng đội ngũ, chờ Đảng gọi lên đường; Phần lớn cán bộ người Kinh của huyện có lệnh điều xuống đồng bằng để tham gia tiếp quản Đà Nẵng. Ngày 24 tháng 3 năm 1975 tỉnh Quảng Nam được giải phóng và hơn một tháng sau đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc trong thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

     Chiến tranh đã lùi xa, thời gian sẽ tiếp tục trôi qua, nhưng truyền thống kiên trung, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của quân và dân huyện Nam Giang qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc mãi mãi được lịch sử ghi nhận và sẽ được phát huy trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương và phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Võ Văn Chương

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết