Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Dạy cán bộ ...đánh vần

Những âm thanh của lớp học ban đêm dội ra từ hội trường của Đồn BPCK Nam Giang. Dưới ánh đèn đêm, những cán bộ, chiến sĩ đang cặm cụi đánh vần và ghi chép tiếng Lào. Những dòng chữ nối nhau chảy ra dưới nét bút miệt mài.


Các học viên đang đánh vần tiếng Lào. 

Cố công "dùi mài"

Thành phần trong lớp học đặc biệt này gồm các chiến sĩ trẻ và cán bộ, sĩ quan trong đơn vị. Họ đang cố công dùi mài để có thể viết, nói, nghe được tiếng Lào, phục vụ công tác chuyên môn.

Sau khi được học bảng quy tắc phát âm, binh nhất A Lăng Hường được gọi lên bảng để kiểm tra nội dung đã học. Chiến sĩ trẻ này tự tin viết một số từ đã học, như từ "chậu", tức là "vâng", "thưa ông", "thưa anh", "thưa chị". Binh nhất Hường, sinh năm 1993, là học sinh khá đặc biệt trong lớp học tiếng Lào. Hàng ngày, Hường đảm trách công việc tăng gia chăn nuôi cho đơn vị.

Từ sáng tới tối, anh phải nấu đủ 3 chảo cám để vỗ béo cho bầy heo lai 50 con. Bên cạnh đó là công việc chăn dắt và vỗ béo cho 3 chú ngựa thồ. Từ sáng tới tối, binh nhất Hường nhuốm mùi khói bếp, bên tai rộn rã âm thanh của những chú heo háu đói, nhưng khi đến lớp học thì anh vẫn trả bài đầy đủ.

"Tiếng Lào, từ "chậu," là "vâng", thể hiện sự kính trọng, có thể dùng trong giao tiếp với bậc bề trên, nhưng có vùng thì phát âm rất nhẹ thành từ "chạm", rất khó nghe" - Thượng úy Trịnh Thanh Bình, giáo viên đứng lớp vừa giảng dạy, vừa chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ, chiến sĩ. Thượng úy Bình có thâm niên làm trợ lý ngoại biên và là thành phần Ban cắm mốc của BĐBP Quảng Nam nên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phân biệt cách phát âm của nhiều vùng, miền bên Lào.

Theo anh thì học tiếng Lào khó nhất là phần ngữ âm. Cũng một từ, nhưng cư dân tại khu vực Viêng Chăn phát âm khác với cư dân Lào ở Kà Lừm, Đắc Chưng, La Mam, Thà Téng. Do những trở ngại này nên đòi hỏi người giao tiếp phải có nhiều kinh nghiệm. 


Binh nhất A Lăng Hường trong lớp học.

Bố học... như con

Đồn BPCK Nam Giang phụ trách địa bàn 2 xã La Dêê và Đắc Tôi, quản lý đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào dài 27,5km. Người dân các bản của nước bạn Lào thường xuyên giao lưu qua lại biên giới. Đó là dịp để các chiến sĩ nói tiếng Lào.

Giở sổ ghi chép của một số chiến sĩ trong lớp học, bên cạnh phần học tiếng Lào là phần học tiếng dân tộc. Địa bàn quản lý của Đồn BPCK Nam Giang, đồng bào dân tộc sử dụng tiếng Tà Riềng, Cơ Tu, Ve. Học tiếng Lào đã khó, giờ lại thêm 3 nội ngữ khác, quả là sự khó khăn không ít. Hàng loạt ngôn ngữ này trở thành "rào cản" đối với những cán bộ, chiến sĩ mới về nhận công tác.

Để thực hiện phương châm "5 cùng", đơn vị đã thành lập tổ giáo viên, lấy con em đồng bào dân tộc công tác tại đồn ra đứng lớp giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ. Hàng đêm, cán bộ, chiến sĩ lại cặm cụi với môn học tiếng dân tộc. Đồng chí A Lăng Vứn, Chính trị viên phó đơn vị phụ trách tổ giáo viên dạy tiếng dân tộc. Sau thời gian học tập và nắm vững kiến thức cơ bản, lớp học được duy trì đều đặn vào một buổi tối hàng tuần, giúp mọi người ôn lại kiến thức đã học.
      Thượng úy Trịnh Thanh Bình cho biết, tham gia lớp học, cán bộ, chiến sĩ đều nhiệt tình học tập, có tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, hàng ngày anh em đi địa bàn công tác, tiếp xúc thường xuyên nên có điều kiện thực hành nội dung đã học. Nhưng thầy giáo đứng lớp đôi khi phải dạy như chương trình của lớp ghép. Vì cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đi công tác nên phải dạy bù kiến thức "Bố học đây, con học đi", thỉnh thoảng lại có tiếng nói nho nhỏ xuất hiện trong giờ học tiếng Lào, tiếng dân tộc. Thì ra có cán bộ trong lớp cúi đầu xuống bàn và nói thật khẽ qua điện thoại với con: "Bố đang học. À...à! Đó là tiếng các chú đang đánh vần như con". 

Tác giả: Lê Văn Chương

Nguồn tin: bienphong.com.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết